Ông lão với
tất cả tâm tư của con người khi biết mình sắp bước qua cánh cửa sinh tử khi
tuổi đời đã nặng. Việc ra đi ai cũng biết về lý trí, nhưng chẳng ai bận tâm, đơn
giản vì họ không đối diện với nó. Còn ông lão, lão đã già, lão phải đối diện.
Dù muốn hay
không, chẳng ai trên cõi đời biết chết thật sự như thế nào. Người chết thật họ
mới biết, nhưng họ biết lại không bao giờ nói. Vả chăng biết cũng chết mà thôi.
Nên con người về già chẳng phải chuyện để nói, họ gạt nó ra khỏi suy nghĩ nhưng
khi không thể tránh né đối diện với họ lại băng khoăng và lo lắng. Phải chăng
con người phải chịu mê muội và đành tự dối mình tin vào lời dạy trong kinh, tin
vào đấng hằng hữu hay vào lòng từ bi của Trời Phật.
Như một
thói quen đủ lâu, ông lão lại viếng lễ Thế Tôn. Nhưng có lẽ lão quá mê muội nên
không được như các bậc thánh để nghe lời dạy bảo.
- Thưa Thế
tôn! Sao trong kinh “ Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng
Phật” còn ngược “nếu . . .”
- Lầm!
Ông lão lễ
bái Phật rồi cũng như con trâu già quen đường cũ, ông ghé lại viếng Tổ. Tổ nhìn
ông thích thú.
- Sao ông
lại đi theo lối mòn của sai lầm. Lên núi tìm kình ngư, xuống biển bắt chim.
- Sao lại
như vậy! Thưa Tổ
- Bốn mươi
chín năm trên ba trăm pháp hội, diễn nói ba thừa, theo đó không ít, nghe đó rất
đông, trên văn lập nghĩa, theo lời lập lý mà uổng phí công phu. Sự thật chỉ nơi hội
Linh Sơn, Thế Tôn không một lời nên tổ Ca Diếp được phó chúc và trao y bát. Nếu nói theo
đại ý Phật pháp nơi hội Pháp Hoa chỉ có gã cùng tử tự nhận thừa đương, con nối
nghiệp cha nào nhờ tu chứng.
- Tổ lại
thế nữa! Con bình dân học vụ, Tổ nói cao xa làm sao hiểu! Chẳng phải Tổ hay
khéo tùy đương cơ mà lấy chốt tháo chốt, bổ nát cột cái mà đao bén chẻ chẳng
vào đó sao!
- Hay lắm!
Vậy tôi sẽ nói với ông những gì ông đã biết nhe!
- Nếu con
đã biết, Tổ nói làm con mẹ gì!
- Chính vì
ông biết mà không tự nhận, nên gọi là mê. Nếu thế nhân chịu xem lại thì mê
không thật có, há nhọc Thế Tôn bốn mươi chín năm năm quải môi lưỡi, sơ Tổ Đạt
Ma toàn thân bùn nước nơi Đông độ.
- Thiệt
nghen Tổ! Nói láo bà bắn à!
- Thiệt!
Nhưng không có bà nào bắn hết ráo!
- Ô kê
Salem! Tổ nói đi, con xin nghe!
- Như ở
trên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn, người ở đó có nói xuân mai, hạ nóng, thu vàng,
đông rét không?
- Không!
Đỉnh núi đó quanh năm tuyết phủ, cây mai chưa từng nghe. Thu có mấy cây mà lá
vàng rụng. Còn bốn mùa đều lạnh chẳng ai từng nói đến nóng!
- Vậy cốt
cách tứ quân tử mai, lan, trúc, cúc làm sao dạy!
- Tổ nói
mắc cười nha! Ở đó vốn chưa từng thấy, chưa từng nói đến bốn thứ này!
- Nhưng có
thể nói về cốt cách người quân tử không?
- Được! Như
có thể ví với cây tùng, là giống mọc nơi xứ lạnh,chắc bên sườn núi, chân núi
có!
- Vậy khen
cái đẹp mảnh mai của thân mai, cái mùi thuần khiết của lan, cái thanh cao của
cúc, cái màu xanh bốn mùa của trúc được không?
- Dĩ nhiên
không! Nhưng cái nét thanh mảnh, cái mùi thuần khiết …thì có thể được.
- Vậy không
có mai lan cúc trúc (cảnh vật) thì cái thuần khiết, cái mảnh mai (tướng) vẫn có
đúng không?
- Đúng
luôn!
- Vậy dẹp
hết vật đi thì cái tướng mềm của nước, cái tướng nóng của lửa, cái tướng xa,
cái tướng gần, cái tướng mảnh mai, cái tướng thuần khiết ở đâu ra?
- Nếu không
có vật thì bản chất, tính cách nói chung là tướng làm sao mà có thưa Tổ!
- Vậy mấy
cái tướng ở đâu? là cái gì?
- Đó chỉ là
khái niệm, ý niệm chứ đâu phải vật gì! là cái tưởng tượng!
- Rồi! Cái
khái niệm, cái ý niệm đó ở đâu ra?
- Dĩ nhiên
ở suy nghĩ ra, gọi là thức sinh ra!
- Còn
thương mến, ghét giận, lo lắng, giận dữ, buồn phiền là cái gì nếu không có vật?
- Đó là
tình, là cảm tính. Nếu không có vật thì tình cũng không thể có!
- Vậy rốt
lại là tình thức. đúng không? Nó vốn có hay không có?
- Không thể
nói có nếu không nương theo vật, theo cảnh. Nó không có!
- Cái này
chưa chắc à nhe!
- Con xin
nghe!
- Đối cảnh
thì ở nơi cây cối nó có khởi lên tình thức không?
- Hình như
không?
- Vậy sao
nơi người lại có?
- Nhưng
không có vật, thì tình thức đâu có sanh!
- Đúng
nhưng không đủ! Ông xét xem có kẻ thích hoa nhưng không thấy lá đẹp!
- Lá mà
đẹp!
- Ông ra
đây với tôi!
Cả hai ra
vườn, ông lão nhìn từng chiếc lá ngọn cỏ.
- Ông không
thấy chúng tinh tế và phải là đấng sáng tạo mới tạo nên một tạo vật đẹp và
phong phú đến vậy ư!
- Ừ! Thật
ra chúng đẹp!
- Nếu cây
cối hoàn toàn không có thân, có lá mà chỉ là hoa thôi! Theo ông đẹp không?
- Trụi lủi
thì đẹp mẹ gì!
- Vậy rốt
lại là do so đo, phân biệt mà thành đẹp xấu, do đẹp xấu mà yêu ghét mà phân quý
tiện.
Tổ nói
tiếp:
- Lại hỏi
ông, con chó nó có yêu thích cái đẹp của hoa mà quên cái lá không?
- Theo con
không! Tâm hướng của chung sống theo bản năng là nhiều, chúng thích cỏ khi nằm
chẳng quan tâm hoa lá, chúng quan tâm bóng mát mà không quan tâm tàng cây rậm
rạp xanh hay thưa.
- Vậy chúng
có tình thức không?
- Con chó
có tình thức chứ Tổ!
- Vậy tại
sao nơi chúng không phân thiện ác, không chọn hoa bỏ lá?
- Ý Tổ muốn
dẫn con đi đến đâu?
- Mọi người
không hẵn sanh tình thức với mọi cảnh vật!
- À à! Có
lý! Đâu phải với mọi vật, ai cũng sanh tình thức. Tình thức luôn có chọn lọc.
- Với người
đã no, bắt ăn là chẳng ngon lành. Với món ăn như tôm hùm nổi tiếng, ai cũng
thích mà bắt ăn một món duy nhất tôm hùm mười năm, thì có còn ngon, còn thích
không?
- Đó là
khủng bố chứ ngon gì nữa!
- Vậy ông
nói, nếu có cảnh vật và có người mới sanh tình thức thì không đủ!
- Vậy nếu
lìa cảnh vật! Tình thức đâu thể sanh!
- Đúng phân
nửa thôi! Tình thức vốn ở nơi ông, đâu phải đợi cảnh vật nó mới có! Nương theo
cảnh vật thì nó sanh. Tình thức có mà không thật.
- Ừa đúng!
Nhưng nếu lìa cảnh vật tình thức không hiện, đâu ai gọi tên tình thức?
- Đúng vậy!
Nếu bị cảnh vật trói thì gọi là tình thức. Nếu không bị cảnh vật trói thì tình
thức đó gọi là tâm, là trí huệ Phật, là trí bát nhã, là ba la mật, là như lai
tạng… Nhưng lìa cảnh vật thì không tên, nên nói tâm, nói Phật, nói bát nhã, nói
Niết bàn thì đó chỉ là danh từ rỗng, đâu phải vật gì mà đặt tên. Đâu có thương
ghét, phải trái, cao thấp, mềm cứng … lấy bỏ gì để nói. Thiện ác cũng lại như
vậy!
- A! Hiểu
rồi, hèn gì nếu nói Như Lai thuyết tức là phỉ báng Phật! Nhưng vì để diễn nói
cái tâm, nói đến Phật tâm, Niết Bàn mà dùng lời, nên nếu nói Kinh không do Như
Lai nói là phỉ báng kinh, nếu nói Phật pháp không từ Như Lai dạy lại là phỉ
báng pháp.
- Đã nói,
nếu không tự trói vào cảnh vật thì ở đâu có tướng, có tánh, có lời. Đã vậy ông
lại lôi ở đâu ra cái hiểu?
- Nhưng mà
con hiểu!
- Cái hiểu
đó cũng do so đo, phân biệt mà nói, ĐÓ LÀ TÌNH THỨC!
- Vậy cũng
phải, hiểu cũng chính là tình thức. Nhưng không hiểu lại ĐỒNG VÔ TRI SAO?
- Lại chỉ
là bóng dáng suy nghĩ của hiểu của tình thức. Tôi cho ông một ví dụ!
- Con nghe!
- Như mặt
trời kia, ánh sáng chiếu soi, nếu không có vật phản chiếu ông làm sao biết có
ánh sáng?
- Không có
vật thì đừng nói ánh sáng mà đến mặt trời chẳng ai thấy, nên không bảo có!
- Lại nữa!
Cùng là ánh sáng mặt trời tại sao trúc xanh, mai vàng, bằng lăng tím, lại ra
tròn méo ngắn dài?
- Cái đó do
vật!
- Vậy không
có vật ông nói có ánh sáng hay không? Ánh sáng lại có tướng méo tròn, dài ngắn
không?
- Không có
vật, nhưng không thể nói không có ánh sáng. Nhờ có vật, mới biết có ánh sáng.
Ánh sáng không có méo tròn.
- Phật tánh
cũng lại như vậy! Nó như ánh sáng. Tự trói mình (nắm, thủ đắc) vào cảnh vật thì
sanh tình thức. Nếu không tự trói mình (đâu cần buông, xả) thì không nên nói là
không. Nói không nói có thảy là tự trói, vẫn chỉ là bóng dáng tình thức mà
thôi!
- Về lý,
ông đã hiểu ngôn thuyết (lời nói và lý thuyết) đều là tình thức. Chứ đâu có
nghĩa thật. Chỉ có người tự trói mình vào ngôn thuyết!
- Vậy ra
Phật nói, Phật dạy là như vậy!
- Chớ có mà
chuốc họa cho tôi ông Cà Chớn!
- Chính Tổ
nói!
- Ta nói
với ông nãy giờ là ta và ông! Chớ có mà đem Thế Tôn vào! Lời thế tôn thì ông
hỏi Thế tôn. Chớ mắc mớ gì tôi! Vậy tôi hỏi ông, ông có cho rằng ông, chính
ông! Ông có đồng vô tri không?
- Theo con,
con không đồng vô tri. Nhưng rốt lại cái hiểu, cái ngôn thuyết chỉ là bóng dáng
tình thức. Mà tình thức đó nơi người là phải có, liền thành điên đảo, là nghiệp
thức.
- Không
đúng!
- Sao không
đúng hả Tổ!
- Nếu để
tâm duyên theo cảnh thì bị cảnh trói, nương theo tình thì bị ái thủ trói. Nếu
chẳng tự trói thì thôi, can gì điên đảo! Tình thức CÓ MÀ KHÔNG THẬT. Tình thức
theo duyên sanh, theo duyên tự mất.
- Khoan
khoan, chờ con nghĩ chút! Vậy đó là nghĩa đem lời đẹp lời (ngôn), lấy lý đuổi
lý (thuyết). Dứt bặt ngôn thuyết!
- Lành
thay! Lành thay!
- Lời không
thật có, lý không thật có! Nhưng con thú thiệt! Tổ biểu đừng có trừ, mà tình
thức kia, ngôn thuyết kia không trừ thì sao gọi là tu hành, nếu không trừ nó cứ
sanh làm sao giải thoát, chẳng phải gọi Phật đạo là đạo giải thoát sao?
- Đó chỉ là
lời miễn cưỡng dỗ người, đâu có nghĩa thật. Không nắm (thủ) thì thôi đâu cần
dạy buông bỏ (xả). Chỉ vì nghiệp thức quá nặng, chưa thể tự nhận, nên theo ba
thừa tu hành dần cho nhẹ. Chứ tu hành nghĩa là không tạo tác, không làm gì cả
(không nắm không xả) trước đã.
- Vậy Tổ có
thể dạy con cái gì dễ dễ được không?
- Nếu là
người thật sự muốn tu thì đầu tiên học lấy đạo từ bi. Vì từ bi là gốc.
- Con nhớ
rồi, cái vụ ôm ngọn bỏ gốc. Pháp là ngọn, tâm là gốc.
- Người chỉ
thương con ruột mình không quan tâm trẻ khác đó là tự tạo nghiệp thức. Dù có
dành trọn đời cho con mình thì chẳng được phước gì cả! Yêu con hơn trẻ khác đó
là mở dần lòng từ bi, thương yêu mọi loài hàm linh là mở rộng hơn nữa. Vì yêu
thương nên tự không sát sanh, chứ không phải không sát sanh là được phước bao
giờ, cũng như không sát sanh hoàn toàn không dính dáng đến phật pháp. Yêu
thương lại chính là được phúc đức, chẳng cần phúc đức lại cầu thêm phúc đức.
Khi mở lòng yêu thương thì người ta không chỉ vì con ruột của mình, người thân
của mình, nên dù có chăm chút hơn cho con mình vì đó là quy luật xã hội và cũng
thuận tánh con người nên đó là thuận tánh thiên chơn. Cũng nhờ đó mà sợi dây
luyến ái mẹ con, cha con không trói chặt. Tự đến lúc tình riêng kia tự dứt. Chỉ
còn tình yêu của thánh hiền.
- Vậy là
Phật Tổ cũng vậy!
- Không
đúng! Còn đối cảnh, còn yêu thương yêu chúng sanh bình đẳng vẫn chẳng phải là
gốc Từ Bi.
- Vậy là
sao Tổ?
- Chẳng
phải tình yêu thương của phàm, chẳng phải tình yêu thương của thánh hiền mới
gọi là đại từ đại bi.
- Vì sao?
- Vì không
có lời để nói, vì không có lý có thể bày. Phải thực chứng mới được.
- Vậy là có
thực chứng!
- Miễn
cưỡng tôi lập 2 lý. Ông nghe cho rõ
- Con nghe!
- Một: Như
người đàn ông sống độc thân ở nơi hoang vắng, ông ta biết gì về tình yêu của
người cha? Ông ta có phải không có cảm tính?
- Ông ta
không có con nên thật sự không bao giờ có tình cha đối với con nên chỉ là hiểu,
mà cái hiểu này không thật! Ông ta vẫn có gốc cảm tính.
- Một đã
xong, đó chính là thực chứng!
- Còn ý
hai?
- Hai: Không
tự trói vào cảnh vật, tình thức vốn chẳng sanh ông lấy gì kết luận. Nếu kết
luận (tư nghì) thì chỉ là tình thức. Thế nên đừng có tự chuốc họa tai nghĩ ngợi
so đo tính toán mà chỉ có thể nói “bất khả tư nghì”. Hay chính xác kệ tía nó
nắm buông (thủ xả) làm gì! Nên không kết luận GỐC TỪ BI LÀ CÁI GÌ.
- Vậy là
sạch sành sanh!
- sạch sành
sanh!
- Vậy là lấy
lời dẹp lời, lấy lý đuổi lý!
- Lấy lời
đẹp lời lấy lý đuổi lý!
- Vậy là
học mở lòng yêu thương!
- Là học mở
lòng từ bi.
- Vậy là
học “hãy yêu thương nhau” như chúa Jesus dạy
- Phúc cho ai được nghe lời này!
- Từ bi là
gốc, yêu thương là ngọn
- Chẳng một
chẳng hai! Ông chớ nói xàm! Phật – chúng sanh vốn tự bình đẳng. Nguồn sáng và
ánh sáng chẳng một chẳng hai. Phật – pháp chẳng một chẳng hai.
Tổ rót trà
vào ly ông lão. Ông đưa hai tay chuẩn bị bịt hai tai lại, kêu lên:
- Tổ đừng
có mà hét lên! Con lại mất vía quên cả tên vợ con!
- Đang ở
đây! Ông lôi tên vợ ông ra để làm gì?
- Hà hà hà
. . .
Đợi ông lão
buông hai tay xuống, Tổ hét lên một tiếng!
.