Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Múa gậy rừng hoang: Kinh Tệ-túc (Pàyàsi sutta)



https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong23.htm
Ông lão với vẻ mặt thoáng băn khoăn lưỡng lự. Lần nào ông cũng bị Tổ dí vào góc nhà trong cuộc đối thoại. Dù là nói chuyện, nhưng cứ là người đứng khoanh tay (còn người bắc gọi là ngồi chiếu dưới, chiếu trên) thì chẳng vui chút nào. Ông vừa làm chuyện kinh thiên động địa mà cả đời ông chưa bao giờ làm, thậm chí ngay cả bọn sinh viên hay cử nhân ra trường ít đứa dám làm. Đó là ông ngồi đọc bộ Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) và ông phát hiện là nếu đọc sách dần sẽ thành thói quen, nhưng mơ hồ ông cũng nhận ra đây là một thói quen dễ bỏ.
Ông đọc đến kinh Tệ túc (Pàyàsi sutta) cuộc nói chuyện giữa tôn giả Kumàra Kassapa (Cưu ma la Ca-diếp) và vua Pàyàsi (Tệ-túc) thì ông không hài lòng. Nên hôm nay ông hái bó rau cải bẹ xanh tốt cho phòng ngừa và chữa bệnh gút bệnh khớp, bó rau lang tím trồng từ củ khoai lang tím tốt cho đường huyết và đủ cho ba người ăn hai ngày.
Cái lệ cho nhau quà nhưng là một thứ có sẵn như cây nhà lá vườn vừa thiết thực là nét đẹp trong cuộc sống bây giờ vẫn còn được giữ lại từ bắc chí nam ở vùng nông thôn, khi mà đỉnh cao trí tụê chưa làm ý thức người dân vẩn đục.
Tổ đã rót trà vào hai cái ly rồi Tổ nói:
– Ông hãy cứ nói bất cứ gì ông muốn. Chẳng phải vừa là giết thời gian nhàn rỗi và cũng là cách tỏ dấu thân ái đó sao?
– Ừa thì! Dạ! Con nói chuyện với Tổ con học cũng được ít nhiều.
– Tôi chỉ nói cho ông những gì ông đã biết. Hoặc chỉ những góc khác, những khía cạnh khác cho ông nhìn. Còn lại tôi cũng chẳng biết gì hơn ông. Chưa nói ông hiểu mà tôi trọn không có cái để hiểu!
– Tổ hết bắt bí con cái này được đâu à nha! Biết thì chúng sanh và chư hiền thánh đồng biết gọi là lữ bố tưởng, còn chúng sanh vọng tưởng, tâm duyên theo sự lập lý cũng gọi là mống khởi tình thức nên gọi là khùng điên tưởng.
– Cái gì mà lữ bố tưởng? Khùng điên tưởng? Ông nói lại tôi nghe.
– Cái gì bố bố, tổ bố, lữ bố tưởng là cái biết như con trâu cũng gọi là trâu, nam nữ, núi sông cũng đồng biết và đồng gọi tên như nhau. Chúng sanh thánh hiền đều có khủng bố tưởng này.
– Lưu bố tưởng chứ không phải tổ bố, khủng bố, lữ bố. Phải đồng nhất ngôn ngữ kẻo thành người Tây Ban Nha khen anh Ả Rập đẹp trai mà bị đánh.
Ông lão cười:
– Vậy còn cái tưởng tưởng gì mà chúng sanh vọng tưởng tự sanh ra vậyTổ?
– Gọi là điên đảo tưởng. Còn khùng điên tưởng thì tôi chưa từng nghe.
– Điên đảo thì chẳng xa với khùng điên đâu Tổ ơi! Mà con nói đúng không?
– Lành thay! Nên tôi biết như ông biết, thậm chí còn ít hơn ông. Nói đến hiểu thảy thuộc tình thức. Tâm tâm không khác, chỉ vì chúng sanh tự kỷ thì liền thành người khác.
– Tổ ơi!
– Tôi nghe!
– Con đang đọc kinh Trường Bộ, đến kinh Tác Tệ, có cuộc nói chuyện giữa tôn giả Ku ku Cá Diếp và vua Tác Tệ , con không hài lòng.
– Ông nói cái gì tôi không hiểu! Nhưng ông có thể nói thêm chi tiết nào đó, biết đâu kinh đó tôi đã xem qua.
– Kinh đó có câu “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo”.
– Thì ra đó là kinh Tệ túc (Pàyàsi sutta) cuộc nói chuyện giữa tôn giả Cưu ma la Ca-diếp (Kumàra Kassapa) và vua Tệ Túc (Pàyàsi). Khi nhà vua Tệ Túc nghĩ rằng “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo”
– Chắc là nó đó! Tên Ấn độ khó nhớ lắm. Thôi con với Tổ thống nhất tên gọi phiên âm tiếng Việt, con gọi là tôn giả Ku ma la hay tôn giả Cá Diếp và nhà vua là Tác Tệ nghen!
– Phiên âm cũng lịch sự và có cơ sở, Cưu chứ không nên phiên là Ku. Mà thôi, ta gọi là Tôn giả và nhà vua.
– OK! Tổ, OK! Tôn giả và nhà vua.
– Vậy ông có đồng ý cho tôi hỏi ông được không?
– Tổ hỏi đi, đâu cần lịch sự quá vậy! Cứ nói huỵch tẹt cái gì Tổ nghĩ.
.

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Lão Đần: Bến đò xuôi ngược



Lão Đần thật ra chưa phải là già, còn kèm giáp sáu mươi thì chưa lên chức lão. Thế nhưng, lão vốn người loắc choắc đầu đuôi chưa đến thước thước rưỡi, gầy nhom như kẻ thiếu ăn. Cái gầy của lão Đần bác sĩ gọi là gầy thể tạng, mà thật ra lão cũng thỉnh thoảng đói ăn.
Đần cũng là tên lão nhưng cũng không phải là tên của lão. Đần chỉ là tên ngoài ba má lão đạt cho, theo quan niệm xưa đặt tên xấu để dễ nuôi. Thế nhưng dễ nuôi chẳng thấy, từ bé lão cứ sụt sà sụt sịt, nay ỉa chảy mai ho. Nhưng không biết tại cái tên Đần khiến lão đần, hay như một sự an bày trước và cái tên chỉ là điềm báo, lão từ bé đến lớn theo đánh giá của mọi người, lão đần thật. Nhưng đần không chỉ giới hạn ở mức độ cho phép, từ khi trưởng thành, việc tiếp xúc với người đời là hiển nhiên, lão không ngoại lệ khi cũng tham gia tranh luận với người đời, thế nhưng không hề có nghĩa là lão thua lý, lão từng đồn kẻ tranh luận vào cuối đường thì đột nhiên lão dừng lại, đực mặt đần độn ra, ai gọi không thưa và mọi người giải tán và tự suy nghĩ cái lý của hai người tranh luận nhưng đi kèm cái cảm giác kỳ cục về lão đần. Lớn lên thay vì như mọi người cứ là anh nông dân một nắng hai mưa, vui chiều với ly rượu cùng con cua con ốc. Nhưng không, lão đần bị bệnh tự kỷ ở cái tuổi 30, lão thu mình lại nhưng không giống người suy tư mà bình thản như người điên không màng thế sự. Và lão đúng là đần, bỏ ngôi nhà xiêu vẹo đã che nắng che mưa, đã cho lão chỗ ngủ ấm áp, đã cho lão bao nhiêu bữa cơm và đi lang thang khắp nơi và sống nhờ lòng từ tâm của mọi người bằng cơm thừa canh cặn,
Một đoàn người đang đứng ở bến chờ con đò, một phụ nữ chứng bốn mươi đang la mắng đứa con gái chừng mươi tuổi. Lão đần có một thế mạnh ít ai sánh kịp. Đó là lão chẳng sợ ai chửi lão vì lão đã quen bị ăn hiếp từ bé và giờ ngoại hình già yếu lại tơi tả như cái giẻ rách nên chẳng ai muốn cù nhây với lão.
– Thưa bà! Giữa cảm giác hài lòng và không hài lòng bà chọn cái nào?
Người đàn bà ngạc nhiên, ở đâu chui ra cái ông già đến hỏi câu hỏi khá là kỳ cục cứt. Những người chung quanh đều nhìn hai người tò mò, bà miễn cưỡng trả lời:
– Hài lòng thì tốt hơn!
– Vậy bà muốn con bà vui cười hay buồn khóc? Cùng một lỗi của trẻ thay vì nghiêm nhưng bình tỉnh dạy trẻ với thái độ nóng giận la mắng, trẻ sẽ hài lòng với lời dạy hay sẽ khó chịu khi bị la mắng?
– Ông nói phải! Nhưng ông đâu biết con cái người khác, có đứa ngu mà lì lợm, dạy hoài không nghe!
– Bà nói phải! Nhưng có đứa trẻ nào mà cha mẹ nói năm mười lần đã chịu làm đúng, chúng vẫn suy nghĩ theo cách trẻ con của chúng. Nếu trẻ lì thì phải nói trăm lần có sao đâu, có ai bỏ con mà không dạy dỗ. Còn dạy con bằng thái độ nóng nảy cộc cằn cũng là dạy trẻ học ứng xử nóng nảy cộc cằn.
– Nó thì chắc dạy bằng roi mới vừa chứ nói gì đến trăm lần nhắc nhở.
– Tui không biết có hay ho gì không, khi ký ức những đứa con về tuổi ấu thơ của chúng là la mắng và đòn roi. Khi bà già cả bệnh tật yếu đuối, bà như cái giẻ rách, bà chẳng ham quần áo đẹp, miếng ăn ngon, bà chỉ mong có con cháu thân thiết bên cạnh bà. Khi ấy, con bà nó có san sẻ với bà những gì trong lòng nó hay có gì đó xa cách. Còn điều quan trọng hơn là nếu con bà chết đi, bà sẽ mãi mãi hối tiếc là khi con abf còn sống trong vòng tay của bà, bà đã không cho con ăn món gì mà con thích, không cho con những vật mà con ước muốn có, đã không trao cho con mình những lời dịu dàng thân ái, đã không cho con cuộc sống vui cười, đã không.
– Ơ hay! Cái ông già trời đánh thánh vật này sao ông rủa con tôi chết!
Mặt người đàn bà đỏ lên, vừa tức giận vừa hoang mang. Như một phản xạ bản năng, bà kéo con bà lại, vòng cánh tay qua vai con như che chỡ. Lão Đần chợt mơ hồ nhớ cái gì đó, thoáng vẻ nghĩ ngợi, rồi óc lão lại rơi vào trống rỗng. lão đứng đó cho đến khi những người xuống đò, chiếc đò trôi đi qua đến bến bên kia. Lão nhìn quanh và không hề thắc mắc tại sao mình đứng đây, lão lại bước đi chậm chạp về phía con đường mà chẳng biết nó sẽ đến đâu.
Người đàn bà la mắng con và cả những người chứng kiến, họ đi đến nơi họ phải đến nhưng trên đường mỗi người mỗi ý nghĩ riêng. Riêng bà mẹ thay vì nghĩ đến những gì lão Đần nói thì lại luôn nhìn đường nhìn con như e sợ một điều bất trắc.
Nhưng không có nghĩa cách cư xử với con cái khi chúng phạm lỗi không ở lại với bà, nhưng nó không đủ để ngấm. Vì thật ra, người lớn thường khi còn tệ hại trăm lần hơn trẻ cho sự ngu si cố chấp. Trẻ chỉ cần mươi lần đến trăm lần nhắc về một lỗi chúng sẽ từ bỏ lỗi lầm đó mãi mãi, còn người lớn dù chứng kiến dù được học trực tiếp hay gián tiếp trên đường đời cả ngàn lần cũng không xong.
.

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Múa gậy rừng hoang: Rờ voi



Ông lão hôm nay có vẻ vui vẻ. Ông vui vì vừa có chuyến đi vào Saigon, ông nhanh chóng chán cái cảnh kẹt xe và không khí mùi xăng dầu bụi khói, nên sau khi ghé Thảo Cầm Viên xong là ông cùng mọi người về thẳng quê.
Tổ thích thú nhìn ông:
- Chắc ở chỗ Thế Tôn, ông được nghe tán thán lành thay! Đúng không?
Ông lão trong lòng rất ngạc nhiên, ông có cảm giác Tổ giống như ông thầy bói. Tổ nói tiếp:
- Ông kể lại tôi nghe!
Thế là ông lão kể lại, ông ghé và sau khi lễ Thế Tôn ông buộc miệng:
- Lầm! Lầm!
Thế Tôn liền chắp tay tán thán:
- Lành thay!
Tổ bật cười và nói:
- May cho ông không bị đánh!
- Sao vậy ạ!
- Nếu lần sau Thế Tôn không tán thán mà “hư hư” thì ông nhớ chạy nhanh nhé!
- Con không hiểu!
- Vì không hiểu nên bị đánh để khỏi hiểu luôn!
- Hà hà hà
Thế rồi ông kể lại chuyến đi Thảo Cầm Viên:
- Đây là lần thứ 2 con đi đó Tổ!
- Ông nói tôi nghe!
- Hồi xưa còn bé tui được ba má đưa đi thăm Saigon và ghé Thảo Cầm Viên là lần thứ nhất. Hôm qua là lần thứ hai.
- Cái gì hay điều gì ông thấy ấn tượng hay thích nhất?
- Cái này là nói chuyện bình thường nghe Tổ! Đừng có mà hét lên hay đánh con nhá!
- Ừ! Không hét, không đánh!
- Saigon của con ngày xưa sao đẹp vô cùng, còn bây giờ nhà cửa cao đẹp nhưng không đủ không khí thở, nét mặt người xưa thanh lịch giờ sao giống… nói sao ta, ừ thì hầm là lằng xắn cấu.
- Ấn tượng tuổi thơ luôn đẹp, cho dù nó như thế nào!
- Tổ nói cũng đúng. Cái bánh tây hồi nhỏ con ít khi được ăn, giờ chẳng còn ngon. Đến mứt tết cũng không còn chút hào hứng.
- Có gì vui mà ông cười!
- Con thú vị nhất là thằng cháu nội, nó kể con nghe chuyện bốn ông thầy bói mù rờ voi. Nghe nó kể sao mà hay đến vậy!
- Thằng bé có tài diễn thuyết ư!
- Không! Nó dễ thương lắm Tổ ơi! Nó mới có 9 tuổi thôi!
- À! Ra vậy! Nghe mấy trẻ kể chuyện mà không mê mới là lạ! Tôi cũng thích lắm!
- Tếu lâm ở chỗ đã mù còn đòi biết con voi!
- Ông hiểu chuyện đó chứ!
- Chứ gì nữa Tổ, kẻ thì rờ chân lại so sánh cái cột nhà. Kẻ rờ cái vòi thì chỉ biết cái vòi. Hay cái đuôi. Tự cho mình chính thân rờ voi, tự cho là đúng là đủ. Mù thật là tai hại khống thể biết đủ.
- Ai bảo ông có mắt, có tai, có lưỡi, có mũi, có tay, có thức và ý là biết như thật?
- Tổ lại thế nữa! Chính con thấy con voi đầy đủ, sao lại biết không đủ!
- Vậy tôi hỏi ông nhé!
- Được, con sẵn sàng trả lời!
- Ông có giống vợ ông không?
- Không!
- Vậy con khỉ thấy ông, nó bảo nó thấy và biết đủ về con người! Theo ông, vậy là đúng hay sai?
- A! a! Tổ đúng là đúng là …
- Vậy ông thấy con voi đó, tôi chỉ nói về con voi đó thôi! Được chứ!
- OK!
- Ông đem con voi đó ra đây!
- Sao đem ra được, nó ở Saigon đâu có ở đây!
- Vậy cái biết đủ của ông là cái gì nếu không là nghĩ – nhớ! Nghĩ nhớ cùng con coi có gì dính dáng!
- Trời đất, thánh vật Tổ đi! Con thua!
- Thôi! Không nói con voi! Nói cái nghĩ nhớ của ông vậy, coi cái biết có đủ hay không nhá!
- OK! Tổ nguy hiểm thiệt!
- Con voi mùi gì? Vị gì? Cứng mềm nóng lạnh? Thích ăn cái gì? trưởng thành bao nhiêu tuổi?
- Khoan Tổ! Con nói chỉ nhìn thấy đủ. Đính chính con không biết đủ!
- Rồi, vậy ông hình dung lại con voi trong đầu thiệt kỷ rồi tôi hỏi ông.
- … Tổ hỏi đi!
- Khi ông nhìn từ trước mặt con voi, ông thấy gì? Khi đứng bên trái con voi ông thấy gì? Khi đứng sau đuôi con voi ông thấy gì? Khi nằm ngữa dưới đất nhìn từ đầu xuống bụng voi ông thấy gì? Nằm ngữa nhìn từ đít con voi lên đầu ông thấy gì? bay trên cao ông nhìn xuống con voi ông thấy gì?
- Con chỉ nhìn từ ngoài vào con voi trong chuồng, đâu có nằm dưới đất, càng không biết bay. Nhất là không hề nhìn lỗ đít con voi.
- Vậy là nhìn không đủ.
- Ừa! ủa dạ! Nhìn chưa đủ!
- Rồi, chỉ cần cái nhìn ông có thể, bây giờ ông nghĩ nhớ lại con voi, nó có đầy đủ, rõ ràng như khi ông ở Thảo Cầm Viên nhìn voi không?
- Nghĩ nhớ chỉ là cái gì đó, con nói sao đây, nó chỉ là trí tưởng, cái hình ảnh mơ hồ, nói sao ta…!
- Vậy nghĩ nhớ và cái thấy có là một không?
- Thấy trước mắt rõ ràng khác hoàn toàn cái nghĩ nhớ - hình dung. Hoàn toàn không là một!
- Vậy chúng có là hai không?
- Nếu chưa từng thấy thì làm sao nghĩ nhớ hình dung ra. Nhưng một đã không mà hai cũng không được!
- Hiện tại! Trước mắt ông là con voi hay là cái gì?
- Trước mắt con là Tổ. Ông già râu tóc ít được cắt tỉa. hè hè hè hè!
- Cái thấy của ông là con voi, là tôi hay là cái gì?
- Cái thấy thì đâu là vật gì! Còn cái bị thấy mới là vật!
- Thôi! Bước đầu chỉ hỏi ông! Cái thấy của ông có đầy đủ không? Có thật không?
- Lúc thấy thì rõ ràng, còn nghĩ nhớ sau đó thì không thật. Cái thấy đã không thật vì đã tự dứt mất. Vậy không có cái thấy thật, nói gì đủ không đủ!
- Lành thay! Lànht hay! Cho đến cái thấy đã vậy lại còn chẳng có mũi ngữi mùi, có lưỡi nếm vị, có tay chạm biết. Làm sao có cái biết đầy đủ, nói gì đến cái biết như thật!
Ông lão chợt reo lên:
- A! Nhờ Tổ dạy, con hiểu công án “THẾ TÔN KHÔNG BIẾT CON HEO”.
Tổ nghiêm chỉnh, hét to một tiếng. Ông lão giật mình ngơ ngác, rồi chợt tỉnh:
- Tổ lại khủng bố con. Con quên mẹ nó tên vợ con rồi! Vợ con tên là … tên là … vợ con tên gì Tổ ơi!
- Vợ ông người ta gọi là Út đẹt!
- Giờ con nhớ rồi! Tại sao Tổ cứ hét lên vậy?
- Việc Thế Tôn hỏi về con heo “cái gì vậy”? Là lời Thế Tôn. Muốn nói phải hỏi Thế Tôn, chớ có vu vạ cho tôi giải thích lời Thế Tôn. TÔI KHÔNG BIẾT THẾ TÔN!
- Hà hà hà! Cái vụ “không biết rất là thân thiết” này rắc rối lắm!
- Ông đừng có mà nói xàm nữa!
- Tổ cho con hỏi?
- Ông hỏi đi! Tôi sẽ trả lời vì cái gì tôi biết luôn là cái ông đều biết, cái tôi không biết không chừng ông biết, còn cái ông không biết đương nhiên tôi cũng không biết!
- Tổ biết cách nói làm người ta ngu luôn. Con làm gì có cái biết này!
- Tôi hỏi ông nhé! Con voi hôm ông thấy và con voi trong trí tưởng của ông là một là hai? Con voi của ông nó sống ra sao? Nó ăn gì? Nó ỉa ở đâu?
- À! Thì ra đã thành 2 con voi. Con voi kia là thật. Còn con voi của con chỉ là trí tưởng. Nó không phải con voi Tổ ơi!
- Chẳng những bây giờ mới như thế! Ngay khi ông nhìn con voi, ông nếm con voi, ông rờ con voi… thì con voi trong cái thấy, cái biết của ông cùng con voi kia có gì dính dáng!
- Ừa ha! Ừa .. ừa. ra là con voi kia mới là con voi. Còn con voi trong mắt, trong óc chẳng phải con voi!
- Cũng không phải như vậy!
- Lại còn không phải! Chẳng lẽ lại còn con voi thứ ba?
- Cái con voi mà tưởng thấy trước mắt đó! Nó chỉ là bóng dáng trong mắt ông mà thôi! Còn cái mà ông nói “con voi thật” thì tôi không biết!
- Sao lại như vậy! Con voi hiện trước mắt lại không là con voi thật sao?
- Hoàn toàn không!
- Cái mà thấy ở ngoài đó thật ra chỉ là hình ảnh được tái tạo mô phỏng vật – cảnh bên ngoài. Đó hoàn toàn là ảnh trong não của ông.
- À! Con nhớ rồi! Ảnh của cảnh vật qua mắt. tái tạo ảnh trên võng mạc, được dây thần kinh truyền dẫn đưa về não. Chính tại não theo cơ chế riêng của nó mà tái tạo hình ảnh cảnh vật. Chính vì vậy mà cảnh vật là một mà nơi người, nơi con ếch, nơi con bò lại có hình ảnh khác nhau.
- Đúng vậy!
- Vậy nội cái thấy đã không thật, cái mùi cái vị … đều không thật. Chưa nói con voi thật nào đó thì sống, còn lại chỉ là ảo ảnh, chỉ là trí tưởng, hay chỉ là tình thức mà thôi!
- Không hoàn toàn như vậy! Vì tôi không biết con voi. Nhưng nói với ông nãy giờ  chỉ để nói tôi không biết con voi.
- Nội một con voi đã vậy, còn bao nhiêu vật khác, rồi trên những vật lại hình thành sự việc, trên sự việc lập lý. Vật đã không thật, lại do tình thức thấy có sự việc, trên sự việc lại lập lý. Hóa ra hoàn toàn điên đảo? Vậy con khùng với Tổ luôn luôn á!
- Không phải khùng! Mà là không biết!
- Nhưng nếu như vậy! Thì mọi thứ là cái gì ngoài điên đảo tưởng
- Khi ông nhìn, thấy rõ ràng. Khi thôi nhìn thì thôi. Đừng trên cảnh vật sanh tâm thì thôi! Chính như ông nói. Trên vật – vật thấy có sự việc (vật đơn lẽ giữa vũ trụ thì ai so sánh với vật khác mà nghĩ một hai, xa gần, đẹp xấu …. đối đãi), ôm lấy sự việc khởi tưởng thành lý, lý lý không cùng. Trên lý của người khác cho là chân lý, tự suy nghĩ tự sanh kiến giải, tự cho là hiểu là biết. Cái hiểu biết đó, kiến giải đó đồng với lông rùa sừng thỏ.
- Quả đúng là sạch sành sanh!
- Sạch sành sanh!
- Dứt đường ngôn ngữ, bặt nơi tâm hành!
- Ông vẫn còn sinh hiểu, đó vẫn là bóng dáng cảnh tiền trần.
- Vậy làm sao cho phải hả Tổ!
- Ông chưa nghe cổ đức niêm lời nhậm lấy miệng chó” ư!
- Tổ cho con hỏi một câu nữa thôi!
- Ông cứ hỏi! Miệng để làm gì!
- Cái nghĩa về nhìn, về nếm. về sờ này gọi tên là gì?
- Bất đắc dĩ lập danh. Gọi là pháp nhãn! Nếu thật sự vô tác – vô hành (không làm gì cả) thì pháp nhãn cũng chẳng thể thấy ông!
- Chỉ từ cái vụ thầy bói mù rờ voi, dẫn chạy vòng vòng làm con ngu luôn được đặt tên là pháp nhãn!
- Nghĩ cho kỹ, thảy thảy đều là rờ voi! Chẳng bằng đừng rờ đừng biết cho nó khỏe!
 .

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Múa gậy rừng hoang: Đem lời dẹp lời, lấy lý đuổi lý!



Ông lão với tất cả tâm tư của con người khi biết mình sắp bước qua cánh cửa sinh tử khi tuổi đời đã nặng. Việc ra đi ai cũng biết về lý trí, nhưng chẳng ai bận tâm, đơn giản vì họ không đối diện với nó. Còn ông lão, lão đã già, lão phải đối diện.
Dù muốn hay không, chẳng ai trên cõi đời biết chết thật sự như thế nào. Người chết thật họ mới biết, nhưng họ biết lại không bao giờ nói. Vả chăng biết cũng chết mà thôi. Nên con người về già chẳng phải chuyện để nói, họ gạt nó ra khỏi suy nghĩ nhưng khi không thể tránh né đối diện với họ lại băng khoăng và lo lắng. Phải chăng con người phải chịu mê muội và đành tự dối mình tin vào lời dạy trong kinh, tin vào đấng hằng hữu hay vào lòng từ bi của Trời Phật.
Như một thói quen đủ lâu, ông lão lại viếng lễ Thế Tôn. Nhưng có lẽ lão quá mê muội nên không được như các bậc thánh để nghe lời dạy bảo.
- Thưa Thế tôn! Sao trong kinh “ Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật” còn ngược “nếu . . .”
- Lầm!
Ông lão lễ bái Phật rồi cũng như con trâu già quen đường cũ, ông ghé lại viếng Tổ. Tổ nhìn ông thích thú.
- Sao ông lại đi theo lối mòn của sai lầm. Lên núi tìm kình ngư, xuống biển bắt chim.
- Sao lại như vậy! Thưa Tổ
- Bốn mươi chín năm trên ba trăm pháp hội, diễn nói ba thừa, theo đó không ít, nghe đó rất đông, trên văn lập nghĩa, theo lời lập lý mà uổng phí công phu. Sự thật chỉ nơi hội Linh Sơn, Thế Tôn không một lời nên tổ Ca Diếp được phó chúc và trao y bát. Nếu nói theo đại ý Phật pháp nơi hội Pháp Hoa chỉ có gã cùng tử tự nhận thừa đương, con nối nghiệp cha nào nhờ tu chứng.
- Tổ lại thế nữa! Con bình dân học vụ, Tổ nói cao xa làm sao hiểu! Chẳng phải Tổ hay khéo tùy đương cơ mà lấy chốt tháo chốt, bổ nát cột cái mà đao bén chẻ chẳng vào đó sao!
- Hay lắm! Vậy tôi sẽ nói với ông những gì ông đã biết nhe!
- Nếu con đã biết, Tổ nói làm con mẹ gì!
- Chính vì ông biết mà không tự nhận, nên gọi là mê. Nếu thế nhân chịu xem lại thì mê không thật có, há nhọc Thế Tôn bốn mươi chín năm năm quải môi lưỡi, sơ Tổ Đạt Ma toàn thân bùn nước nơi Đông độ.
- Thiệt nghen Tổ! Nói láo bà bắn à!
- Thiệt! Nhưng không có bà nào bắn hết ráo!
- Ô kê Salem! Tổ nói đi, con xin nghe!
- Như ở trên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn, người ở đó có nói xuân mai, hạ nóng, thu vàng, đông rét không?
- Không! Đỉnh núi đó quanh năm tuyết phủ, cây mai chưa từng nghe. Thu có mấy cây mà lá vàng rụng. Còn bốn mùa đều lạnh chẳng ai từng nói đến nóng!
- Vậy cốt cách tứ quân tử mai, lan, trúc, cúc làm sao dạy!
- Tổ nói mắc cười nha! Ở đó vốn chưa từng thấy, chưa từng nói đến bốn thứ này!
- Nhưng có thể nói về cốt cách người quân tử không?
- Được! Như có thể ví với cây tùng, là giống mọc nơi xứ lạnh,chắc bên sườn núi, chân núi có!
- Vậy khen cái đẹp mảnh mai của thân mai, cái mùi thuần khiết của lan, cái thanh cao của cúc, cái màu xanh bốn mùa của trúc được không?
- Dĩ nhiên không! Nhưng cái nét thanh mảnh, cái mùi thuần khiết …thì có thể được.
- Vậy không có mai lan cúc trúc (cảnh vật) thì cái thuần khiết, cái mảnh mai (tướng) vẫn có đúng không?
- Đúng luôn!
- Vậy dẹp hết vật đi thì cái tướng mềm của nước, cái tướng nóng của lửa, cái tướng xa, cái tướng gần, cái tướng mảnh mai, cái tướng thuần khiết ở đâu ra?
- Nếu không có vật thì bản chất, tính cách nói chung là tướng làm sao mà có thưa Tổ!
- Vậy mấy cái tướng ở đâu? là cái gì?
- Đó chỉ là khái niệm, ý niệm chứ đâu phải vật gì! là cái tưởng tượng!
- Rồi! Cái khái niệm, cái ý niệm đó ở đâu ra?
- Dĩ nhiên ở suy nghĩ ra, gọi là thức sinh ra!
- Còn thương mến, ghét giận, lo lắng, giận dữ, buồn phiền là cái gì nếu không có vật?
- Đó là tình, là cảm tính. Nếu không có vật thì tình cũng không thể có!
- Vậy rốt lại là tình thức. đúng không? Nó vốn có hay không có?
- Không thể nói có nếu không nương theo vật, theo cảnh. Nó không có!
- Cái này chưa chắc à nhe!
- Con xin nghe!
- Đối cảnh thì ở nơi cây cối nó có khởi lên tình thức không?
- Hình như không?
- Vậy sao nơi người lại có?
- Nhưng không có vật, thì tình thức đâu có sanh!
- Đúng nhưng không đủ! Ông xét xem có kẻ thích hoa nhưng không thấy lá đẹp!
- Lá mà đẹp!
- Ông ra đây với tôi!
Cả hai ra vườn, ông lão nhìn từng chiếc lá ngọn cỏ.
- Ông không thấy chúng tinh tế và phải là đấng sáng tạo mới tạo nên một tạo vật đẹp và phong phú đến vậy ư!
- Ừ! Thật ra chúng đẹp!
- Nếu cây cối hoàn toàn không có thân, có lá mà chỉ là hoa thôi! Theo ông đẹp không?
- Trụi lủi thì đẹp mẹ gì!
- Vậy rốt lại là do so đo, phân biệt mà thành đẹp xấu, do đẹp xấu mà yêu ghét mà phân quý tiện.
Tổ nói tiếp:
- Lại hỏi ông, con chó nó có yêu thích cái đẹp của hoa mà quên cái lá không?
- Theo con không! Tâm hướng của chung sống theo bản năng là nhiều, chúng thích cỏ khi nằm chẳng quan tâm hoa lá, chúng quan tâm bóng mát mà không quan tâm tàng cây rậm rạp xanh hay thưa.
- Vậy chúng có tình thức không?
- Con chó có tình thức chứ Tổ!
- Vậy tại sao nơi chúng không phân thiện ác, không chọn hoa bỏ lá?
- Ý Tổ muốn dẫn con đi đến đâu?
- Mọi người không hẵn sanh tình thức với mọi cảnh vật!
- À à! Có lý! Đâu phải với mọi vật, ai cũng sanh tình thức. Tình thức luôn có chọn lọc.
- Với người đã no, bắt ăn là chẳng ngon lành. Với món ăn như tôm hùm nổi tiếng, ai cũng thích mà bắt ăn một món duy nhất tôm hùm mười năm, thì có còn ngon, còn thích không?
- Đó là khủng bố chứ ngon gì nữa!
- Vậy ông nói, nếu có cảnh vật và có người mới sanh tình thức thì không đủ!
- Vậy nếu lìa cảnh vật! Tình thức đâu thể sanh!
- Đúng phân nửa thôi! Tình thức vốn ở nơi ông, đâu phải đợi cảnh vật nó mới có! Nương theo cảnh vật thì nó sanh. Tình thức có mà không thật.
- Ừa đúng! Nhưng nếu lìa cảnh vật tình thức không hiện, đâu ai gọi tên tình thức?
- Đúng vậy! Nếu bị cảnh vật trói thì gọi là tình thức. Nếu không bị cảnh vật trói thì tình thức đó gọi là tâm, là trí huệ Phật, là trí bát nhã, là ba la mật, là như lai tạng… Nhưng lìa cảnh vật thì không tên, nên nói tâm, nói Phật, nói bát nhã, nói Niết bàn thì đó chỉ là danh từ rỗng, đâu phải vật gì mà đặt tên. Đâu có thương ghét, phải trái, cao thấp, mềm cứng … lấy bỏ gì để nói. Thiện ác cũng lại như vậy!
- A! Hiểu rồi, hèn gì nếu nói Như Lai thuyết tức là phỉ báng Phật! Nhưng vì để diễn nói cái tâm, nói đến Phật tâm, Niết Bàn mà dùng lời, nên nếu nói Kinh không do Như Lai nói là phỉ báng kinh, nếu nói Phật pháp không từ Như Lai dạy lại là phỉ báng pháp.
- Đã nói, nếu không tự trói vào cảnh vật thì ở đâu có tướng, có tánh, có lời. Đã vậy ông lại lôi ở đâu ra cái hiểu?
- Nhưng mà con hiểu!
- Cái hiểu đó cũng do so đo, phân biệt mà nói, ĐÓ LÀ TÌNH THỨC!
- Vậy cũng phải, hiểu cũng chính là tình thức. Nhưng không hiểu lại ĐỒNG VÔ TRI SAO?
- Lại chỉ là bóng dáng suy nghĩ của hiểu của tình thức. Tôi cho ông một ví dụ!
- Con nghe!
- Như mặt trời kia, ánh sáng chiếu soi, nếu không có vật phản chiếu ông làm sao biết có ánh sáng?
- Không có vật thì đừng nói ánh sáng mà đến mặt trời chẳng ai thấy, nên không bảo có!
- Lại nữa! Cùng là ánh sáng mặt trời tại sao trúc xanh, mai vàng, bằng lăng tím, lại ra tròn méo ngắn dài?
- Cái đó do vật!
- Vậy không có vật ông nói có ánh sáng hay không? Ánh sáng lại có tướng méo tròn, dài ngắn không?
- Không có vật, nhưng không thể nói không có ánh sáng. Nhờ có vật, mới biết có ánh sáng. Ánh sáng không có méo tròn.
- Phật tánh cũng lại như vậy! Nó như ánh sáng. Tự trói mình (nắm, thủ đắc) vào cảnh vật thì sanh tình thức. Nếu không tự trói mình (đâu cần buông, xả) thì không nên nói là không. Nói không nói có thảy là tự trói, vẫn chỉ là bóng dáng tình thức mà thôi!
- Về lý, ông đã hiểu ngôn thuyết (lời nói và lý thuyết) đều là tình thức. Chứ đâu có nghĩa thật. Chỉ có người tự trói mình vào ngôn thuyết!
- Vậy ra Phật nói, Phật dạy là như vậy!
- Chớ có mà chuốc họa cho tôi ông Cà Chớn!
- Chính Tổ nói!
- Ta nói với ông nãy giờ là ta và ông! Chớ có mà đem Thế Tôn vào! Lời thế tôn thì ông hỏi Thế tôn. Chớ mắc mớ gì tôi! Vậy tôi hỏi ông, ông có cho rằng ông, chính ông! Ông có đồng vô tri không?
- Theo con, con không đồng vô tri. Nhưng rốt lại cái hiểu, cái ngôn thuyết chỉ là bóng dáng tình thức. Mà tình thức đó nơi người là phải có, liền thành điên đảo, là nghiệp thức.
- Không đúng!
- Sao không đúng hả Tổ!
- Nếu để tâm duyên theo cảnh thì bị cảnh trói, nương theo tình thì bị ái thủ trói. Nếu chẳng tự trói thì thôi, can gì điên đảo! Tình thức CÓ MÀ KHÔNG THẬT. Tình thức theo duyên sanh, theo duyên tự mất.
- Khoan khoan, chờ con nghĩ chút! Vậy đó là nghĩa đem lời đẹp lời (ngôn), lấy lý đuổi lý (thuyết). Dứt bặt ngôn thuyết!
- Lành thay! Lành thay!
- Lời không thật có, lý không thật có! Nhưng con thú thiệt! Tổ biểu đừng có trừ, mà tình thức kia, ngôn thuyết kia không trừ thì sao gọi là tu hành, nếu không trừ nó cứ sanh làm sao giải thoát, chẳng phải gọi Phật đạo là đạo giải thoát sao?
- Đó chỉ là lời miễn cưỡng dỗ người, đâu có nghĩa thật. Không nắm (thủ) thì thôi đâu cần dạy buông bỏ (xả). Chỉ vì nghiệp thức quá nặng, chưa thể tự nhận, nên theo ba thừa tu hành dần cho nhẹ. Chứ tu hành nghĩa là không tạo tác, không làm gì cả (không nắm không xả) trước đã.
- Vậy Tổ có thể dạy con cái gì dễ dễ được không?
- Nếu là người thật sự muốn tu thì đầu tiên học lấy đạo từ bi. Vì từ bi là gốc.
- Con nhớ rồi, cái vụ ôm ngọn bỏ gốc. Pháp là ngọn, tâm là gốc.
- Người chỉ thương con ruột mình không quan tâm trẻ khác đó là tự tạo nghiệp thức. Dù có dành trọn đời cho con mình thì chẳng được phước gì cả! Yêu con hơn trẻ khác đó là mở dần lòng từ bi, thương yêu mọi loài hàm linh là mở rộng hơn nữa. Vì yêu thương nên tự không sát sanh, chứ không phải không sát sanh là được phước bao giờ, cũng như không sát sanh hoàn toàn không dính dáng đến phật pháp. Yêu thương lại chính là được phúc đức, chẳng cần phúc đức lại cầu thêm phúc đức. Khi mở lòng yêu thương thì người ta không chỉ vì con ruột của mình, người thân của mình, nên dù có chăm chút hơn cho con mình vì đó là quy luật xã hội và cũng thuận tánh con người nên đó là thuận tánh thiên chơn. Cũng nhờ đó mà sợi dây luyến ái mẹ con, cha con không trói chặt. Tự đến lúc tình riêng kia tự dứt. Chỉ còn tình yêu của thánh hiền.
- Vậy là Phật Tổ cũng vậy!
- Không đúng! Còn đối cảnh, còn yêu thương yêu chúng sanh bình đẳng vẫn chẳng phải là gốc Từ Bi.
- Vậy là sao Tổ?
- Chẳng phải tình yêu thương của phàm, chẳng phải tình yêu thương của thánh hiền mới gọi là đại từ đại bi.
- Vì sao?
- Vì không có lời để nói, vì không có lý có thể bày. Phải thực chứng mới được.
- Vậy là có thực chứng!
- Miễn cưỡng tôi lập 2 lý. Ông nghe cho rõ
- Con nghe!
- Một: Như người đàn ông sống độc thân ở nơi hoang vắng, ông ta biết gì về tình yêu của người cha? Ông ta có phải không có cảm tính?
- Ông ta không có con nên thật sự không bao giờ có tình cha đối với con nên chỉ là hiểu, mà cái hiểu này không thật! Ông ta vẫn có gốc cảm tính.
- Một đã xong, đó chính là thực chứng!
- Còn ý hai?
- Hai: Không tự trói vào cảnh vật, tình thức vốn chẳng sanh ông lấy gì kết luận. Nếu kết luận (tư nghì) thì chỉ là tình thức. Thế nên đừng có tự chuốc họa tai nghĩ ngợi so đo tính toán mà chỉ có thể nói “bất khả tư nghì”. Hay chính xác kệ tía nó nắm buông (thủ xả) làm gì! Nên không kết luận GỐC TỪ BI LÀ CÁI GÌ.
- Vậy là sạch sành sanh!
- sạch sành sanh!
- Vậy là lấy lời dẹp lời, lấy lý đuổi lý!
- Lấy lời đẹp lời lấy lý đuổi lý!
- Vậy là học mở lòng yêu thương!
- Là học mở lòng từ bi.
- Vậy là học “hãy yêu thương nhau” như chúa Jesus dạy
- Phúc cho ai được nghe lời này!
- Từ bi là gốc, yêu thương là ngọn
- Chẳng một chẳng hai! Ông chớ nói xàm! Phật – chúng sanh vốn tự bình đẳng. Nguồn sáng và ánh sáng chẳng một chẳng hai. Phật – pháp chẳng một chẳng hai.
Tổ rót trà vào ly ông lão. Ông đưa hai tay chuẩn bị bịt hai tai lại, kêu lên:
- Tổ đừng có mà hét lên! Con lại mất vía quên cả tên vợ con!
- Đang ở đây! Ông lôi tên vợ ông ra để làm gì?
- Hà hà hà . . .
Đợi ông lão buông hai tay xuống, Tổ hét lên một tiếng!
.

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Vô đề



Vô cớ càn khôn đã tự minh
Hổn mang chưa định rõ thanh bình
Bão che bờ cát người an giấc
Trăng chiếu bãi xanh núi chuyển mình
Vỗ cánh chim trời nào ẩn dấu
Bén hương hồ nước chẳng soi hình
Trúc xanh lá biếc ai hòa sắc
Hoa rụng không nương. Khách hữu tình!

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Vô đề



Rừng hoang cỏ rậm gió mênh mang
Hữu ý gốc đa đứng cửa làng
Cảnh chẳng trói người, người tự trói
Sự đâu mang lý, lý liền mang!
Công phu như huyễn lừa xem giếng
Giới hạnh tam thừa thỏ ngủ hang
Chẳng nắm không buông làm sao nói?
Bấp bênh trong nước ánh trăng vàng.
.

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Lầm!



Lưng trâu đánh giấc bước đăng trình
Cọp núi chim trời… đạo ám minh?
Tuyết điểm Sapa mưa Phú Quốc
Lá đầy Yên Tử nhủ Sơn Đoòng
Nửa đêm trăng dọi đen tòa phật
Hừng sáng chim kêu trắng đóa quỳnh
Ngàn mắt đại bi nhìn chẳng đủ
Ngàn tay vô sự giữa trời thinh.
.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Đừng gọi tên nhau



Đừng gọi tên nhau khi mùa thay áo
Lá trôi lăn vào thế giới vong tình
Ngọn gió chướng trả lại đời mộng ảo
Cho con chim trong đáy nước hong mình

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Chuyện ngụ ngôn: rừng và nhà



Nói đến rừng và nhà là để phân biệt vịt trời hay vịt nhà, trâu bò nhà hay trâu bò rừng….

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Câu chuyện thần đèn: Sự tích con gà



Ngày xưa, chắc không xưa lắm vì là thời đại mà dấu vết về nền văn minh đó người ta đã khai quật nhặt nhạnh lại được.