Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Múa gậy rừng hoang: Kinh Tệ-túc (Pàyàsi sutta)



https://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong23.htm
Ông lão với vẻ mặt thoáng băn khoăn lưỡng lự. Lần nào ông cũng bị Tổ dí vào góc nhà trong cuộc đối thoại. Dù là nói chuyện, nhưng cứ là người đứng khoanh tay (còn người bắc gọi là ngồi chiếu dưới, chiếu trên) thì chẳng vui chút nào. Ông vừa làm chuyện kinh thiên động địa mà cả đời ông chưa bao giờ làm, thậm chí ngay cả bọn sinh viên hay cử nhân ra trường ít đứa dám làm. Đó là ông ngồi đọc bộ Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) và ông phát hiện là nếu đọc sách dần sẽ thành thói quen, nhưng mơ hồ ông cũng nhận ra đây là một thói quen dễ bỏ.
Ông đọc đến kinh Tệ túc (Pàyàsi sutta) cuộc nói chuyện giữa tôn giả Kumàra Kassapa (Cưu ma la Ca-diếp) và vua Pàyàsi (Tệ-túc) thì ông không hài lòng. Nên hôm nay ông hái bó rau cải bẹ xanh tốt cho phòng ngừa và chữa bệnh gút bệnh khớp, bó rau lang tím trồng từ củ khoai lang tím tốt cho đường huyết và đủ cho ba người ăn hai ngày.
Cái lệ cho nhau quà nhưng là một thứ có sẵn như cây nhà lá vườn vừa thiết thực là nét đẹp trong cuộc sống bây giờ vẫn còn được giữ lại từ bắc chí nam ở vùng nông thôn, khi mà đỉnh cao trí tụê chưa làm ý thức người dân vẩn đục.
Tổ đã rót trà vào hai cái ly rồi Tổ nói:
– Ông hãy cứ nói bất cứ gì ông muốn. Chẳng phải vừa là giết thời gian nhàn rỗi và cũng là cách tỏ dấu thân ái đó sao?
– Ừa thì! Dạ! Con nói chuyện với Tổ con học cũng được ít nhiều.
– Tôi chỉ nói cho ông những gì ông đã biết. Hoặc chỉ những góc khác, những khía cạnh khác cho ông nhìn. Còn lại tôi cũng chẳng biết gì hơn ông. Chưa nói ông hiểu mà tôi trọn không có cái để hiểu!
– Tổ hết bắt bí con cái này được đâu à nha! Biết thì chúng sanh và chư hiền thánh đồng biết gọi là lữ bố tưởng, còn chúng sanh vọng tưởng, tâm duyên theo sự lập lý cũng gọi là mống khởi tình thức nên gọi là khùng điên tưởng.
– Cái gì mà lữ bố tưởng? Khùng điên tưởng? Ông nói lại tôi nghe.
– Cái gì bố bố, tổ bố, lữ bố tưởng là cái biết như con trâu cũng gọi là trâu, nam nữ, núi sông cũng đồng biết và đồng gọi tên như nhau. Chúng sanh thánh hiền đều có khủng bố tưởng này.
– Lưu bố tưởng chứ không phải tổ bố, khủng bố, lữ bố. Phải đồng nhất ngôn ngữ kẻo thành người Tây Ban Nha khen anh Ả Rập đẹp trai mà bị đánh.
Ông lão cười:
– Vậy còn cái tưởng tưởng gì mà chúng sanh vọng tưởng tự sanh ra vậyTổ?
– Gọi là điên đảo tưởng. Còn khùng điên tưởng thì tôi chưa từng nghe.
– Điên đảo thì chẳng xa với khùng điên đâu Tổ ơi! Mà con nói đúng không?
– Lành thay! Nên tôi biết như ông biết, thậm chí còn ít hơn ông. Nói đến hiểu thảy thuộc tình thức. Tâm tâm không khác, chỉ vì chúng sanh tự kỷ thì liền thành người khác.
– Tổ ơi!
– Tôi nghe!
– Con đang đọc kinh Trường Bộ, đến kinh Tác Tệ, có cuộc nói chuyện giữa tôn giả Ku ku Cá Diếp và vua Tác Tệ , con không hài lòng.
– Ông nói cái gì tôi không hiểu! Nhưng ông có thể nói thêm chi tiết nào đó, biết đâu kinh đó tôi đã xem qua.
– Kinh đó có câu “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo”.
– Thì ra đó là kinh Tệ túc (Pàyàsi sutta) cuộc nói chuyện giữa tôn giả Cưu ma la Ca-diếp (Kumàra Kassapa) và vua Tệ Túc (Pàyàsi). Khi nhà vua Tệ Túc nghĩ rằng “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo”
– Chắc là nó đó! Tên Ấn độ khó nhớ lắm. Thôi con với Tổ thống nhất tên gọi phiên âm tiếng Việt, con gọi là tôn giả Ku ma la hay tôn giả Cá Diếp và nhà vua là Tác Tệ nghen!
– Phiên âm cũng lịch sự và có cơ sở, Cưu chứ không nên phiên là Ku. Mà thôi, ta gọi là Tôn giả và nhà vua.
– OK! Tổ, OK! Tôn giả và nhà vua.
– Vậy ông có đồng ý cho tôi hỏi ông được không?
– Tổ hỏi đi, đâu cần lịch sự quá vậy! Cứ nói huỵch tẹt cái gì Tổ nghĩ.
.

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Lão Đần: Bến đò xuôi ngược



Lão Đần thật ra chưa phải là già, còn kèm giáp sáu mươi thì chưa lên chức lão. Thế nhưng, lão vốn người loắc choắc đầu đuôi chưa đến thước thước rưỡi, gầy nhom như kẻ thiếu ăn. Cái gầy của lão Đần bác sĩ gọi là gầy thể tạng, mà thật ra lão cũng thỉnh thoảng đói ăn.
Đần cũng là tên lão nhưng cũng không phải là tên của lão. Đần chỉ là tên ngoài ba má lão đạt cho, theo quan niệm xưa đặt tên xấu để dễ nuôi. Thế nhưng dễ nuôi chẳng thấy, từ bé lão cứ sụt sà sụt sịt, nay ỉa chảy mai ho. Nhưng không biết tại cái tên Đần khiến lão đần, hay như một sự an bày trước và cái tên chỉ là điềm báo, lão từ bé đến lớn theo đánh giá của mọi người, lão đần thật. Nhưng đần không chỉ giới hạn ở mức độ cho phép, từ khi trưởng thành, việc tiếp xúc với người đời là hiển nhiên, lão không ngoại lệ khi cũng tham gia tranh luận với người đời, thế nhưng không hề có nghĩa là lão thua lý, lão từng đồn kẻ tranh luận vào cuối đường thì đột nhiên lão dừng lại, đực mặt đần độn ra, ai gọi không thưa và mọi người giải tán và tự suy nghĩ cái lý của hai người tranh luận nhưng đi kèm cái cảm giác kỳ cục về lão đần. Lớn lên thay vì như mọi người cứ là anh nông dân một nắng hai mưa, vui chiều với ly rượu cùng con cua con ốc. Nhưng không, lão đần bị bệnh tự kỷ ở cái tuổi 30, lão thu mình lại nhưng không giống người suy tư mà bình thản như người điên không màng thế sự. Và lão đúng là đần, bỏ ngôi nhà xiêu vẹo đã che nắng che mưa, đã cho lão chỗ ngủ ấm áp, đã cho lão bao nhiêu bữa cơm và đi lang thang khắp nơi và sống nhờ lòng từ tâm của mọi người bằng cơm thừa canh cặn,
Một đoàn người đang đứng ở bến chờ con đò, một phụ nữ chứng bốn mươi đang la mắng đứa con gái chừng mươi tuổi. Lão đần có một thế mạnh ít ai sánh kịp. Đó là lão chẳng sợ ai chửi lão vì lão đã quen bị ăn hiếp từ bé và giờ ngoại hình già yếu lại tơi tả như cái giẻ rách nên chẳng ai muốn cù nhây với lão.
– Thưa bà! Giữa cảm giác hài lòng và không hài lòng bà chọn cái nào?
Người đàn bà ngạc nhiên, ở đâu chui ra cái ông già đến hỏi câu hỏi khá là kỳ cục cứt. Những người chung quanh đều nhìn hai người tò mò, bà miễn cưỡng trả lời:
– Hài lòng thì tốt hơn!
– Vậy bà muốn con bà vui cười hay buồn khóc? Cùng một lỗi của trẻ thay vì nghiêm nhưng bình tỉnh dạy trẻ với thái độ nóng giận la mắng, trẻ sẽ hài lòng với lời dạy hay sẽ khó chịu khi bị la mắng?
– Ông nói phải! Nhưng ông đâu biết con cái người khác, có đứa ngu mà lì lợm, dạy hoài không nghe!
– Bà nói phải! Nhưng có đứa trẻ nào mà cha mẹ nói năm mười lần đã chịu làm đúng, chúng vẫn suy nghĩ theo cách trẻ con của chúng. Nếu trẻ lì thì phải nói trăm lần có sao đâu, có ai bỏ con mà không dạy dỗ. Còn dạy con bằng thái độ nóng nảy cộc cằn cũng là dạy trẻ học ứng xử nóng nảy cộc cằn.
– Nó thì chắc dạy bằng roi mới vừa chứ nói gì đến trăm lần nhắc nhở.
– Tui không biết có hay ho gì không, khi ký ức những đứa con về tuổi ấu thơ của chúng là la mắng và đòn roi. Khi bà già cả bệnh tật yếu đuối, bà như cái giẻ rách, bà chẳng ham quần áo đẹp, miếng ăn ngon, bà chỉ mong có con cháu thân thiết bên cạnh bà. Khi ấy, con bà nó có san sẻ với bà những gì trong lòng nó hay có gì đó xa cách. Còn điều quan trọng hơn là nếu con bà chết đi, bà sẽ mãi mãi hối tiếc là khi con abf còn sống trong vòng tay của bà, bà đã không cho con ăn món gì mà con thích, không cho con những vật mà con ước muốn có, đã không trao cho con mình những lời dịu dàng thân ái, đã không cho con cuộc sống vui cười, đã không.
– Ơ hay! Cái ông già trời đánh thánh vật này sao ông rủa con tôi chết!
Mặt người đàn bà đỏ lên, vừa tức giận vừa hoang mang. Như một phản xạ bản năng, bà kéo con bà lại, vòng cánh tay qua vai con như che chỡ. Lão Đần chợt mơ hồ nhớ cái gì đó, thoáng vẻ nghĩ ngợi, rồi óc lão lại rơi vào trống rỗng. lão đứng đó cho đến khi những người xuống đò, chiếc đò trôi đi qua đến bến bên kia. Lão nhìn quanh và không hề thắc mắc tại sao mình đứng đây, lão lại bước đi chậm chạp về phía con đường mà chẳng biết nó sẽ đến đâu.
Người đàn bà la mắng con và cả những người chứng kiến, họ đi đến nơi họ phải đến nhưng trên đường mỗi người mỗi ý nghĩ riêng. Riêng bà mẹ thay vì nghĩ đến những gì lão Đần nói thì lại luôn nhìn đường nhìn con như e sợ một điều bất trắc.
Nhưng không có nghĩa cách cư xử với con cái khi chúng phạm lỗi không ở lại với bà, nhưng nó không đủ để ngấm. Vì thật ra, người lớn thường khi còn tệ hại trăm lần hơn trẻ cho sự ngu si cố chấp. Trẻ chỉ cần mươi lần đến trăm lần nhắc về một lỗi chúng sẽ từ bỏ lỗi lầm đó mãi mãi, còn người lớn dù chứng kiến dù được học trực tiếp hay gián tiếp trên đường đời cả ngàn lần cũng không xong.
.