Gã Ngớ chẳng nhìn ai quanh bàn chỉ có 4 người, Cái thú duy
nhất không phải là thói quen ngồi quán, gã ngồi để tạm tránh cái oi đến bức cả
người vì trời nóng. Dĩ nhiên hôm nay không ngoại lệ, gã cũng sẽ không trả tiền
vì ít ai mà ông Tư cho phép tranh mất cái cái quyền người lớn tuổi nhất trong
bàn. Quả thật, ông Tư ngoài là người được người trong xóm kính trọng về sự mẫu
mực khôn ngoan mà người ta còn thương ông quả là người dễ gần. Đến như gã Ngớ vốn
ít giao tiếp và lại là người không hay chuyện, chưa muốn nói là gã vốn đần
thường hay làm mích lòng người nghe.
Anh Hiển lác:
- Ông Tư coi bộ phim mới Bao Thanh Thiên chưa?
Gần đây không hiểu sao trong xóm đua nhau xem phim Bao công,
đến mức chuyền cho nhau và ngồi nói chuyện rôm rả. Gã chẳng lạ gì vì phim này
bắt đầu phát hành từ nhiều năm trước, gã có xem qua và với gã nó vốn chẳng hứng
thú gì, phim Hong kông Đài Loan hay Trung quốc, chỉ cần dựa vào một cái gì đó
như một thanh kiếm quý, một quyển sách dạy võ công, hay đơn giản tranh nhau một
con vịt để lấy cớ đánh nhau, đánh nhau từ sáng đến tối, đánh nhau ngoài đường,
đánh nhau trong nhà bếp. Nói chung là chỉ đánh nhau, đến như Trần Huyền Trang
(sau vua cải họ Đường) sang Ấn độ thỉnh kinh đem về Trung quốc biên dịch, cũng
dựng thành phim đánh nhau, Phật cũng đánh nhau, nói chung người ta uốn nắn đạo
lý để ra một thứ lý thuyết tào lao xịt bộc rồi để đánh nhau.
- Tao hổng có coi, cứ hành hạ cái lưng để xem hết tập này
sang tập nọ. Sức tao kém rồi.
- Bác Tư nói con mới nói, vợ con trước ngày nào cũng ngồi lỳ
để xem phim Hàn quốc, mà phim nào cũng dài mấy chục tập.
Anh Ba đâm hơi lên tiếng:
- Hình như có phim cả trăm tập ấy chứ, tui coi mấy tập mà
chịu đời không nổi, phim Hàn quốc cứ đi ra đi vô, nói qua nói lại, cứ phải dài
cổ ra mà không biết nó muốn nói cái gì.
- Tại ông không xem hết trọn bộ, coi vài tập mà đòi biết.
- Này Ngớ! Theo mày tại sao bây giờ họ hùa nhau coi phim Bao
công?
Anh Ba đâm hơi xen vào:
- Chời ơi! Ai không biết là để coi bao công chém đầu bọn
tham quan ông Tư!
- Vậy mày thấy gì hà thằng Ba?
- Coi đã thiệt, ước gì có ông Bao công thời bây giờ chắc
ngày nào cũng có người đưa đầu cho ổng chém. Được vậy thiệt hả lòng hả dạ!
- Ý mày sao Ngớ!
Gã muốn tránh câu chuyện tào lao này, nhưng với ông Tư Hiền,
chí ít gã thật lòng quý trọng ông, không phải vì đức độ nơi ông, không phải
hiểu biết rất sâu rộng của ông, mà vì nơi ông Tư gã nhận ra một tấm lòng. Cho
dù nếu có người trang lứa với gã giống như ông Tư thì dù quý trọng Gã cũng
không kết bạn làm gì. Gã là gã! Gã trầm ngâm không phải để suy nghĩ, đơn giản
gã cố ý làm ra vẽ suy nghĩ như là tỏ ra là người quan tâm đến câu hỏi.
- Theo con thì cho là có ông Bao công chém mấy chục, mấy
trăm cái đầu tham quan, cho đến nếu có hàng chục ông Bao công cùng sống vào một
thời, cho đến cũng y như vậy hết đời này đến đời khác lại có hàng chụcBao Công
cũng chẳng để làm gì!
Anh Ba đâm hơi vốn rất nhanh trí cũng bị hụt hẩng vì cơ hồ chưa
biết gã Ngớ nói nói cái gì. Ông Tư im lặng nhìn gã là thái độ chờ đợi cũng như
buộc gã phải nói hết. Gã lại nhận ra mình vốn đần độn, phải chi gã suy nghĩ một
chút sẽ nói điều vô thưởng vô phạt hơn là nói cái điều mình nghĩ.
- Con người vốn dĩ tham sân si, có cơ hội tất làm nên tội,
chém, chém nữa, chém mãi được ích gì?
- Sao không? Cha nói kỳ, chém thằng này thằng kia thấy mà sợ
thì không làm bậy!
Ông Tư Hiền ngăn lại:
- Thằng Ba mày nói tưởng là đúng, nhưng thật ra không đúng
vậy đâu! Mày nên biết bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào vẫn luôn có quan tham và kẻ
độc ác. Mày để thằng Ngớ nói hết.
- Vâng! Ông Tư! Chém thật ra chẳng làm ai sợ, nếu không kỷ
cương thì tham quan và bọn sai nha làm càn trắng trợn, nếu có kỷ cương thì
chúng lại kết bè kết đảng kín đáo làm bậy. Chém tên này cũng có tên khác khéo
len chân vào để làm bậy. Nên dù có trăm bao công cũng chẳng bằng một cụ thánh Chu (Chu Văn An) dâng sớ thất trảm.
- Thôi đi cha! Ông Chu Văn An dâng sớ mà 7 tên gian thần
chẳng mất một sợi lông chưn (chân) có được gì đâu, ngược lại ổng treo ấn từ
quan, chúng càng lộng hành.
Ông Tư nhìn anh Ba đâm hơi trong im lặng, anh Ba biết ông Tư
trách nên im lặng. Ông Tư nói:
- Thằng Ba mày có hiểu vì sao vua không giận thánh Chu vì người treo ấn, chẳng nói chẳng rằng bỏ thẳng về
quê không? Theo luật thời phong kiến khó tránh khỏi tội. Nhưng vì kính cụ thánh
Chu nên im lặng, thậm chí đến những ngày lễ
Vua không quên lễ thầy (chu Văn An là thầy dạy học cho vua khi người còn là
hoàng tử). Không chém gian thần mà lại cung kính với cụ thánh Chu
cho thấy, vua hiểu vua biết nhưng vẫn làm chủ được quần thần, kính trọng cụ
thánh cho thấy giềng mối đạo vẫn còn. Chính thái độ của cụ Chu
còn khiến vua phải trọng, gian thần không bị chém vì chém chưa chắc tránh khỏi
nạn gặp gian thần khác còn tinh ma hơn. Cái gương điểm mặt gian thần lại là tấm
gương cho người đời soi. Thật ra, thằng Ngớ mày không nên so sánh. Dù vậy, tao
đồng tình trăm Bao thanh thiên điều tra rồi chém, chẳng thể bằng tấm gương vị
quan vì dân vì nước. Nhưng trên đời hiếm hoi biết bao mới có một người như cụ Chu.
- Nhưng dù có trăm cụ Chu
cũng chẳng ăn thua gì!
Anh Ba đâm hơi lại không thể kiềm lòng:
- Má ơi! Anh khùng rồi hả? Việt nam hiếm hoi có được một
người như cụ Chu mà anh dám nói trăm cụ Chu
cũng hổng ăn thua là lý làm sao?
- Vì gương sáng để người soi, nhưng cái bệnh thâm sân si lại
đương nhiên tồn tại, nếu chẳng có thâm sân si còn gì là thế gian. Chính lẽ đó
dù có trăm ngàn cái gương mà chúng thì không bao giờ soi.
Ông Tư bật cười:
- Mày muốn dẫn câu chuyện này đến đâu vậy Ngớ!
- Thưa ông Tư! Bọn quan tham thì chúng vì quyền lợi mà liên
kết nhau lập bè lập đảng hại dân, cũng vì quyền vì lợi mà đấu đá hãm hại nhau. Vậy cái gương đó ăn nhằm gì bọn chúng.
Thưa ông Tư, người đời cúi đầu cam chịu để mong có ông Bao
Công dù chỉ là trong mộng tưởng như ông Bao công trên phim thì ích lợi gì! Cho đến
trăm ngàn tấm gương thật vì dân vì nước bọn chúng chẳng soi thì kiếp nạn hiện tại cũng là mầm tai
họa cho tương lai vẫn lù lù ra đó. Chỉ có bao giờ tất cả đồng bào hiểu mình mới là chủ đất
nước, là người tiếp tục gìn giữ tất đất tổ tiên nòi giống, chính mình kiến lập
pháp luật, chỉ có khi ấy bọn quan tham không còn tự tung tự tác hại dân hại
nước. Chỉ có khi ấy! Bọn quan tham mới biết dè chừng và mức độ hay gọi là hậu
quả sẽ bị hạn chế ở mức thấp nhất y như nạn bị trộm gà bắt chó mà thôi.
- Hay! Cha này nói hay! Cũng có lý!
Gã nhìn anh Ba rồi buông nhát búa:
- Không hay và Phi lý! Vì đồng bao ta đã quen làm sao với nề
nếp :xin, xin và xin, xin được cấp điện, xin được gắn đồng hồ nước, xin được
chứng thực đơn từ để xin cho con đi học, xin việc làm, xin tạm trú, xin được
cứu xét, làm đơn khiếu tố khiếu nại cũng phải xin và chờ, chờ trong hy vọng một
ngày mai không đến.
- Nghe cha nói tôi thấy giống ăn mày!
- Phải! Chúng ta chỉ biết xin như Trịnh Công Sơn nói : xin
áo xin cơm.
Ông Tư kết luận:
- Có lý! Vậy hôm nay tao trả tiền bao mày uống cà phê và sẽ
bao mày thêm bận nữa!
Anh Ba đâm hơi quả chẳng hổ danh đâm hơi:
- Ông Tư phải nói cho đúng “hôm nay tao xin được trả tiền
nước” hahahaha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét