Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Nghiệp quả và nghiệp thức



Ông lão ghé lễ bái Thế tôn và hỏi:
- Thưa Thế tôn, theo kinh văn mỗi mỗi hành vi thiện ác đều chiêu quả lành dữ. Nhưng con là con người, cả đời cơm áo khốn khổ, chỉ biết niệm Phật và lễ chùa thì có tiêu bớt nghiệp quả không?

- Ai hỏi câu này?
- Dạ con!
- Ông là ai?
- Con là … con, tên Trần văn Chớn, làm ruộng…
- Ta không hỏi tên ông, tên chẳng ông, làm ruộng là nghề nghiệp mưu sinh chẳng phải ông. Ta hỏi ông là ai?
- Thì là … nói vậy thân tứ đại này không phải con vì nó là thân của con. Thân này cũng không phải thân vì nó do nhiều cái không thân mà thành (đầu không phải thân, mình không phải thân, chân tay… không phải thân, duyên hợp thành thân. Cho đến đầu cũng từ những cái không đầu mà thành như mắt, mũi…), trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Thế tôn dạy suy nghĩ cũng không phải con. Vậy thưa Thế tôn con hổng biết!
- Đến ông là gì cũng không biết, lấy ai tạo nghiệp, lấy ai thọ quả báo. Lầm!
Thế tôn ngồi im lặng, ông lão đành lễ lạy rồi ghé sang Tổ. Tổ vui vẻ hỏi:
- Chào ông lão! Ông và gia đình vui khỏe chứ! Nói tôi nghe ông có việc gì?
- Cám ơn Tổ thăm hỏi. Cả nhà con khỏe vì đã ngừng ăn cá biển và may số muối trước khi Formosa đánh độc vào biển còn hơn 10kg nên không phải lo.
Rồi ông thuật lại câu chuyện. Tổ im lặng giây lâu.
- Ông nói vậy chẳng khác đàn bà có râu!
- Xin Tổ dạy bảo
- Tôi đã nói thiệt là tôi không biết cái gì hơn ông sao gọi dạy bảo. Bây giờ tôi hỏi ông nhe
- Tổ màu mè quá! Hỏi thì hỏi đi! Nói thì nói đi! Chỉ có Tổ đánh con chứ có bao giờ con dám đánh Tổ.
- Ừa! tôi có phải ông không?
- Không!
- Cái bàn, ấm trà, cánh cửa, mây, gió nắng mưa có phải ông không?
- Không!
- Vậy ông xem lại cái gì, vật gì là ông.
- Nói thiệt nghen! Con coi kỹ rồi chỉ có thân này là con mà thôi!
- Đúng vậy! Thân này chính là sắc thân, sắc thân chính là ông.
- Vậy sao Thế tôn biểu hổng phải!
- Nhưng sắc thân ông sinh diệt, ông chẳng theo thân sinh diệt. Nên nói thân này là ông thì được, mà bảo ông là thân này thì không được.
- Có lý! Vậy mà con nói thân này là con nên Thế tôn hổng chịu.
- Nơi sắc thân hội đủ tam thân, báo thân, hóa thân và pháp thân Phật. Nên gọi là tam bảo cũng gọi là chư Phật ba đời.
- Nhưng thân con lại không thật có!
- Lành thay! Thế nên kinh chỉ nói tam thân Phật mà chẳng nói tứ thân Phật. Sắc thân có sinh có diệt. Tâm ông không sinh không diệt. Còn nghĩa thứ 2 nữa.
- Con chờ mà sao Tổ hổng nói tiếp!
- Nghe đây! Thế giới, ba thiên đại thiên và tất cả sự lý chỉ là ảnh, chỉ là mô phỏng trong não của ông và chỉ thuộc bảy thức. Nến muôn vật đó ẩn hiện, có không thảy chính là ông.
- Có lý! Vì 7 thức là phương tiện của tâm, nó là chỗ dụng của tâm như ánh sáng của nguồn sáng. Thế giới tam thiên, sum la vạn tượng thảy nằm trong đó thì cũng chính là con mà con không là chúng, như ảnh trong gương. Con hiểu hội muôn vật làm chính mình.
- Hiểu thì trật lất! Miễn cưỡng nói lý, miễn cưỡng diễn thuyết. Hiểu là sai. Nếu không có con bò thì trong gương làm gì có ảnh con bò. Lời lời đặt để chỉ cốt người lìa có không. Ôm có không thật, dựng lập không hư dối vẫn chỉ là chỗ thức sanh.
- Thiệt là lần nào, nói làm sao đều trật lất.
- Con bò vốn không thật, ảnh con bò trong gương lại là cái gì!
- Bởi vậy con có hiểu gì đâu!
- Chính cái không hiểu thật là gần gủi.
- Thưa Tổ! Nếu vậy nghiệp báo là sao?
- Nghiệp báo trong kinh Vô Lượng Thọ nói rồi! tôi không có gì để nói! Tôi chỉ có thể nói về nghiệp thức.
- Nghiệp quả đã đủ làm người ta mệt, lại còn nghiệp thức nữa ư! Sao lắm tai nạn quá vậy!
- Nghe đây ông Cà Chớn! Con sói giết thịt con thỏ và một người nuôi lòng ghét bỏ một người mà không làm gì? Theo ông nghiệp tội nào lớn hơn?
- Con sói đói thì giết con mồi ăn thịt, lòng nó không chút thù hằn. Nó không có lỗi lầm, còn ghét bỏ thì tâm mình tội lỗi. Dĩ nhiên ai cũng biết.
- Một người mà tâm không ác, do tức giận nhất thời gây tổn thương, gây họa cho người khác và người nuôi thù hận chiêu báo sẽ nặng nhẹ y như vậy. Cho đến người nhất thời mù quáng oán hận trả thù, trả xong thù mà lòng oán hận dứt chiêu báo cũng nhẹ hơn muôn phần với người còn nuôi mãi oán thù.
- Con hiểu rồi! Vậy những cái xấu còn trong thức sẽ là nghiệp thức.
- Đạo trời chỉ mở mà không trói, lắm khi kẻ thù kiếp trước sinh là anh em bất hòa, nhưng tình yêu thương giúp họ xóa oán thành ân. Yêu thương chính là phương tiện rộng lớn nhất mà ai cũng có thể đi theo.
- Nghe Tổ nói, con nhớ lời chúa Jesus dạy “hãy yêu thương nhau”.
- Đó là lời của bậc thánh! Lành thay! May mắn cho ai nghe được lời này!
- Thế nên trong hầu hết kinh điển, Thế tôn luôn dạy về tam độc “tham sân si”. Chính nó tạo nên nghiệp thức. Chiêu quả đáng sợ vô cùng. Từ hàng sơ cơ đến bồ tát thập địa mãn tâm cũng phải tu học về tham sân si. Nó là chướng ngại lớn cho người tu hành vậy!
- Tổ có thể nói rõ hơn về nghiệp thức chiêu quả thế nào cho con nghe với!
- Đã biết gốc ác từ thức khi tự mang tam độc thì chú ý gạn đục lóng trong. Mắc mớ gì nói chieu quả nặng nhẹ. Biết sai thì bỏ mới thật là người trí. Nhưng trong cửa của Tôi thì tham sân si vốn không thật có, biết sai liền dứt há cần bỏ hay diệt làm gì.
- Nó không thiệt có mà rõ ràng nó có! Không trừ nó sao được!
- Như ông biết con đường đó đầy gai độc, đầy thú dữ, đầy rắn rết. Ông có đâm đầu vào đó mà đi không?
- Tổ hỏi ngu vãi! Dĩ nhiên là không!
- Ông Cà Chớn (Tổ thét lớn).
- Ơi! Hả! dạ! Tổ ơi đừng có mà khủng bố con!
- Mời ông uống trà!
- Mỗi lần mời trà Tổ cứ hét lên như vậy sao?
- Nghe đây! Đã biết đường hung hiểm, thì đừng đi can gì trừ nó!
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét