Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

chú phá kinh Duy Ma Cật (10)



Bấy giờ Xá Lợi Phất thừa oai thần của Phật mà nghĩ rằng: “Nếu Bồ Tát tâm tịnh thì Phật độ tịnh”. Vậy Thế Tôn khi còn làm Bồ Tát, tâm ý còn bất tịnh sao, mà Phật độ bất tịnh như thế!

Phật biết Xá Lợi Phất nghĩ vậy liền bảo rằng:
- Ý Ngươi thế nào? Nhật nguyệt bất tịnh ư mà kẻ mù chẳng thấy?
- Bạch Thế Tôn! Ấy là lỗi của người mù, chẳng phải lỗi của nhật nguyệt.
- Xá Lợi Phất! Vì chúng sanh có tội chướng nên chẳng thấy quốc độ nghiêm tịnh của Như Lai, chứ chẳng phải lỗi của Như Lai. Xá Lợi Phất! Tịnh độ Ta đây mà ngươi chẳng thấy.
Lúc ấy, Loa Kế Phạm Vương nói với Xá Lợi Phất rằng:
 - Chớ nghĩ như thế, chớ cho cõi Phật đây là bất tịnh. Tại sao? Tôi thấy cõi Phật của Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh như Tự Tại Thiên Cung.
Xá Lợi Phất nói:
- Sao tôi thấy cõi này toàn là gò nỗng, hầm hố, chông gai, sỏi sạn, đất đá, núi non nhơ nhớp đầy dẫy như thế!
Loa Kế Phạm Vương nói:
- Đấy là do tâm của Ngài có cao thấp, không nương theo trí huệ của Phật nên thấy cõi này chẳng thanh tịnh đó thôi. Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh, y theo trí huệ của Phật thì mới thấy được cõi Phật này thanh tịnh.
Lúc đó, Phật dùng ngón chân nhấn xuống đất, tức thì Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới liền hiện ra vô lượng thất bửu trang nghiêm, cũng như cõi vô lượng công đức bửu trang nghiêm của Phật Bửu Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng tán thán việc chưa từng có và đều thấy mình ngồi trên bửu liên hoa.
Phật bảo Xá Lợi Phất:
- Ngươi hãy xem cõi Phật này nghiêm tịnh chăng?
Xá Lợi Phất bạch Thế Tôn:
- Vâng ạ! Con xưa nay vốn chẳng thấy chẳng nghe, nay cõi Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.
Phật bảo Xá Lợi Phất:
- Cõi Phật Ta thường thanh tịnh như thế! Nhưng vì muốn độ người thấp kém, nên thị hiện cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như chư Thiên ăn cơm chung trong một bửu bát, mà tùy theo phước đức của họ thấy cơm có khác. Cũng thế, Xá Lợi Phất! Nếu người tâm tịnh bèn thấy cõi này công đức trang nghiêm.
Khi Phật hiện ra cõi này nghiêm tịnh, năm trăm vị Trưởng giả đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, tám mươi bốn ngàn người đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Phật thâu nhiếp thần túc, thì thế giới trở lại như cũ, ba mươi hai ngàn chư Thiên và người biết pháp hữu vi đều là vô thường, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh, tám ngàn Tỳ kheo chẳng còn chấp thọ các pháp, kiết lậu đã hết, tâm ý được mở mang.
_ _ _ _ _
1) Bấy giờ Xá Lợi Phất thừa oai thần của Phật mà nghĩ rằng: “Nếu Bồ Tát tâm tịnh thì Phật độ tịnh”. Vậy Thế Tôn khi còn làm Bồ Tát, tâm ý còn bất tịnh sao, mà Phật độ bất tịnh như thế!

Đây lượt hỏi tất cả chúng sanh được sanh vào cõi nước Phật thế tôn theo như đoạn kinh văn trên thì hầu như viên mãn, không súc xiểm, công đức viên mãn…chẳng có tam ác bát nạn. Nơi cõi Ta bà hầu như chẳng được một li một lai nào.

2) Phật biết Xá Lợi Phất nghĩ vậy liền bảo rằng:
- Ý Ngươi thế nào? Nhật nguyệt bất tịnh ư mà kẻ mù chẳng thấy?
- Bạch Thế Tôn! Ấy là lỗi của người mù, chẳng phải lỗi của nhật nguyệt.

Xá Lợi Phất là một trong mười đại đệ tử thân cận với Phật qua cái thấy biết của mình đặt câu hỏi (hay chỉ là mượn tâm ý của chúng sanh đặt câu hỏi). Câu hỏi rõ ràng chẳng thể phủ nhận sự bất tịnh của cõi nước phật.

Nhật nguyện không có việc tịnh thì lấy gì gọi là bất tịnh. Cảnh vốn tự yên chỉ người tự náo động. Theo câu trả lời nhật nguyệt chẳng sáng đối với người mù (hay người nhắm mắt che tay. Thí dụ này rõ hơn vì tâm vốn chẳng mù chỉ vì động tưởng che lấp).

Nơi đây chỉ ra duyên khởi (mù) của chúng sanh khi chưa ngộ được bổn tâm, không lìa kiến chấp, chẳng thoát bản ngã hư dối. Trên bản ngã hư dối vọng thấy cảnh thường – vô thường, bị sinh bệnh tử lão hư dối mê hoặc, chán phàm mến thánh… tự trói buộc mình.

Nếu căn cứ một đoạn kinh văn kinh văn, thì lời Thế tôn không khỏi hư vọng. Không thể trên danh lập nghĩa, toàn đoạn văn trên là xiển dương pháp phương tiện và thứ lớp ấn chứng (hóa thành).

Bồ Tát tùy sự giáo hóa chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy sự điều phục chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh nên theo quốc độ nào vào trí huệ của Phật mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh nên theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ Tát mà nhận lấy cõi Phật” Chúng sanh muôn ngàn sai biệt chẳng đồng, cõi Phật là chính niết bàn tâm của Bồ Tát và chư Phật, đầy đủ từ bi đưa chúng sanh vào cõi nước Phật để giáo hóa, giúp chúng sanh tự điều phục tâm mình, tùy nơi kiến chấp (đại cơ) dùng trí huệ Phật mà phương tiện tiếp dẫn (đại dụng) đều hướng về Bồ Tát hạnh.

3) - Xá Lợi Phất! Vì chúng sanh có tội chướng nên chẳng thấy quốc độ nghiêm tịnh của Như Lai, chứ chẳng phải lỗi của Như Lai. Xá Lợi Phất! Tịnh độ Ta đây mà ngươi chẳng thấy.

Đây là câu xác lập rõ chỗ kiến chấp hư vọng của chúng sanh, nên chẳng tự thấy quốc độ nghiêm tịnh của Như lai, ngay Xá Lợi Phất cũng chẳng thấy. Cõi Ta bà là nơi Xá Lợi Phất hỏi, Thế tôn lại trả lời Niết bàn tâm – quốc độ Như Lai thay vì trả lời nơi kiến chấp năng thấy (thấy cảnh) và sở thấy (bất tịnh).

Chính câu trả lời chẳng vào tà kiến mà chỉ rõ tu nơi bổn tâm, phật tâm – Tâm pháp là điều mà Thế tôn muốn xiển dương nơi ở thành Tỳ Da Ly (cũng là nơi mà cư sĩ Duy Ma Cật nằm bệnh).

4) Lúc ấy, Loa Kế Phạm Vương nói với Xá Lợi Phất rằng:
 - Chớ nghĩ như thế, chớ cho cõi Phật đây là bất tịnh. Tại sao? Tôi thấy cõi Phật của Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh như Tự Tại Thiên Cung.
Xá Lợi Phất nói:
- Sao tôi thấy cõi này toàn là gò nỗng, hầm hố, chông gai, sỏi sạn, đất đá, núi non nhơ nhớp đầy dẫy như thế!
Loa Kế Phạm Vương nói:
- Đấy là do tâm của Ngài có cao thấp, không nương theo trí huệ của Phật nên thấy cõi này chẳng thanh tịnh đó thôi. Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh, y theo trí huệ của Phật thì mới thấy được cõi Phật này thanh tịnh.

Loa Kế Phạm Vương lưu xuất từ tự tánh chẳng bị cảnh chuyển, chẳng bị pháp chuyển, chẳng bị tất cả kiến văn giác tri chuyển, cảnh vốn không lỗi, 6 căn thanh tịnh, 7 thức không lỗi nên với trí bát nhã thì cõi nước nào cũng thanh tịnh đồng với hư vô.

5) Lúc đó, Phật dùng ngón chân nhấn xuống đất, tức thì Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới liền hiện ra vô lượng thất bửu trang nghiêm, cũng như cõi vô lượng công đức bửu trang nghiêm của Phật Bửu Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng tán thán việc chưa từng có và đều thấy mình ngồi trên bửu liên hoa.
Phật bảo Xá Lợi Phất:
- Ngươi hãy xem cõi Phật này nghiêm tịnh chăng?
Xá Lợi Phất bạch Thế Tôn:
- Vâng ạ! Con xưa nay vốn chẳng thấy chẳng nghe, nay cõi Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.

Đây lại nói về pháp phương tiện (hóa thành) cõi cõi nước vốn không thật có (ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức). Vì chúng sanh ham điều kỳ diệu, lòng tham muốn không dứt Thế tôn chỉ ra cõi nước vô lượng thất bửu trang nghiêm như cõi nước Phật Bửu trang nghiêm. Nơi đây cũng chỉ phật hạnh chính là Phật bửu, chẳng thể bỏ sự tu hành. Không thể ngay đó tự nhận bổn tâm thì chẳng thiếu pháp phương tiện thứ lớp chứng đắc. Nhưng tất cả tam hiền tứ thánh, các quả vị cũng như huyễn không ra ngoài tâm thức biến hiện.

6) Phật bảo Xá Lợi Phất:
- Cõi Phật Ta thường thanh tịnh như thế! Nhưng vì muốn độ người thấp kém, nên thị hiện cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như chư Thiên ăn cơm chung trong một bửu bát, mà tùy theo phước đức của họ thấy cơm có khác. Cũng thế, Xá Lợi Phất! Nếu người tâm tịnh bèn thấy cõi này công đức trang nghiêm.
Khi Phật hiện ra cõi này nghiêm tịnh, năm trăm vị Trưởng giả đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, tám mươi bốn ngàn người đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Phật thâu nhiếp thần túc, thì thế giới trở lại như cũ, ba mươi hai ngàn chư Thiên và người biết pháp hữu vi đều là vô thường, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh, tám ngàn Tỳ kheo chẳng còn chấp thọ các pháp, kiết lậu đã hết, tâm ý được mở mang.

Thế tôn sau khi chỉ cho thấy cõi bất tịnh như huyến, cõi phật trang nghiêm như huyễn chẳng ra ngoài tâm. Nơi pháp hội tự xa lìa pháp hữu vi, phiền não tự dứt, chẳng còn chấp thọ (không một pháp khả đắc), tất cả phiền não không thật có chẳng trừ mà tự dứt.

.

2 nhận xét:

  1. Thế nào là tâm không?
    Tâm không chính là vô ngã.
    Như người nhìn một bức tranh chụp phong cảnh của người khác, nơi người đó chỉ khởi tưởng đây là núi, đây là vực, đây là khu rừng thông bên cạnh dòng sông.
    Nhưng người ấy không khởi tưởng núi cao, vực sâu, dòng sông đang trôi, những chiếc lá rơi từ cành rồi bị gió cuốn trên mặt đất.
    Vậy như một người du lịch trực tiếp nhìn phong cảnh, nơi y nếu chẳng khởi tưởng núi cao, trời rộng, vực sâu, sông chảy… Nhìn là nhìn, thấy rõ ràng đầy mắt, thức ý ngừng nghỉ, ung dung tự tại. Chính khi ấy là tâm không là vô ngã.
    Xin trích bài kệ của phó đại sĩ:
    Tay không cán cuốc cầm,
    bộ hành cỡi lưng trâu,
    trên cầu người qua thẳng,
    cầu trôi nước chẳng trôi.
    Miễn cưỡng chú giải đôi lời (đã là chú giải, diễn giải tất là phỉ báng pháp vì đã lập nghĩa và bài kệ là yếu chỉ của thiền tông phải để người tự mình hạ ngữ)
    Cầm chẳng cầm vẫn là tay, nơi tay không có tánh cầm hay buông, nắm hay mở (tay: sắc thân, cán cuốc: cảnh).
    Trâu bò hay ngựa cùng người đi đường (hành giả) có gì dính dáng, cho đến núi đồi, sông suối, cầu đường có gì để khởi tưởng.
    Ngoảnh mặt nhìn vào công phu tam thừa như huyễn như con cầu đã qua. Cầu là cảnh đâu trói người qua.
    Tánh nước chẳng vì người mà trong, mà đục, mà trôi, mà lặng vậy!
    Tâm không cũng là định huệ song tu, đối cảnh chẳng thêm (thức ý nghỉ ngơi, tức là vô tâm, tức là không hết mọi khởi tưởng) ngoài huệ mà trong định. Tâm không quán chiếu xem xét nơi bản tâm rỗng rãng thanh tịnh đó là trong định mà ngoài huệ (ngoài huệ vì chẳng đồng vô tri kia).
    Tâm không cũng là trí không. Tâm đã không, trí bát nhã tự hiện (kiến giải, trí thông minh… tự dứt) mà chẳng có vật gì, sự gì, lý gì, pháp gì trí cần dụng cả!

    Trả lờiXóa
  2. Thế nào là không của pháp không?
    Chữ không vốn được truyền từ bài kệ của Thế tôn nơi hội Linh Sơn phó chúc ngoài cà sa Còn có bài kệ:
    “Pháp bổn pháp vô pháp,
    Vô pháp pháp diệc pháp
    Kim phó vô pháp thời,
    Pháp pháp hà tằng pháp.

    Pháp gốc pháp không pháp
    Pháp không pháp cũng pháp
    Nay hồi trao không pháp
    Các pháp đâu từng pháp”
    Ngoài ta còn có trong kinh Thủ Lăng Nghiêm
    “Bước đầu ở trong sự nghe được nhập lưu (chẳng chạy theo cảnh) mà quên cái sở nghe. Sở nhập (nhập lưu) đã tịch thì hai tướng động và tịnh chẳng sanh, như thế dần dần tiến thêm, thì năng nghe và sở nghe đều hết; sự hết năng sở của nghe cũng chẳng trụ. Còn biết chẳng trụ thì còn năng giác và sở giác, nên phải KHÔNG cái năng giác sở giác, thì sự KHÔNG giác ấy mới cực viên tròn; năng giác sở giác được KHÔNG đến cùng tột, là nhập vào chỗ KHÔNG, nhập vào chỗ KHÔNG thì còn trụ nơi KHÔNG, nên năng không sở không cũng phải diệt. Năng sở của KHÔNG diệt rồi thì tất cả sự sanh và diệt đều hết, sanh diệt đã diệt, thì tịch diệt hiện tiền, thình lình siêu việt thế gian và xuất thế gian. Đến đây, khắp mười phương pháp giới đều sáng tỏ, được hai thứ thù thắng tròn đầy sáng tỏ”
    Hoặc câu niêm của cổ đức: “Tột không ngã chơn”
    Và chẳng hiếm các câu về chữ không này.
    Nếu từ chấp có mà vọng khởi cái không, thì cái không đó cùng có chẳng khác. Có không đồng hiện.
    Pháp vốn chẳng có, chỉ vọng khởi theo duyên mà sanh.
    Pháp thế gian, xuất thế gian đều là do cảnh chuyển.
    Bổn tâm đâu vì cảnh mà có mà không, đâu vì bồ đề - phiền não mà có mà không, chính như thế mới là nghĩa không. Ngôn thuyết liền là điên đảo!
    Không là tự tánh của tâm nên gọi tánh không (cũng gọi tâm không, cũng gọi trí không vì không nương tựa, không y trụ, không mảy may hệ niệm), vì tánh không đối cảnh chẳng vọng tưởng nên gọi không tánh.

    Trả lờiXóa