Ông già lao công quét dọn chung cư mới ngoài 60 tuổi, với tuổi
ông thường cũng còn đi đi đứng mạnh mẽ nhưng hoàn cảnh cô đơn nghèo khó
nên ông đã như gần 70.
Ông trầm lặng do cá tính hay do chính cuộc sống thấp
kém, ít ai qua lại hay do tất cả. Ông hiếm khi giao tiếp dù người chung cư vẫn
chào hỏi ông, ông chỉ mĩm cười đáp lại. Kể ra cũng đúng thôi, còn có việc gì để
nói với người đời, có chăng người ta chỉ dành hơi sức và tâm ý cho người thân,
người mà người ta yêu thương; còn có gì để nói khi bàn rượu không dành cho ông
con cà con kê tán chuyện kim cổ tình người. Ông con người trầm lặng.
Trầm lặng không đồng nghĩa trái tim ông lạnh lẽo, ông có một
thú vui nho nhỏ nhưng thật sự đáng giá mà nhiều, rất nhiều người đã lỡ mất. Ông
nhìn bọn trẻ chơi đùa và ông vui, ông là người ngoài lề cuộc chơi nhưng ông
không đánh cắp niềm vui từ bọn trẻ mà ông biết ngưỡng mộ một thế giới kỳ diệu
thần tiên.
Bọn trẻ chúng không vô tâm như bề ngoài của chúng, người ta
sai lầm hoàn toàn về trẻ, chúng thiếu sự khôn ngoan nhưng chúng lại có cảm nhận
vô cùng tinh tế. Chúng nhận ra ánh mắt vui vẻ và trìu mến của ông dành cho
chúng, chúng biết ông cười cùng chúng, chúng còn nhận ra một lần một bạn té ngã
đau. Ông đang ì ạch kéo cáo thùng rác bằng nhựa to hơn ông, ông liền dừng lại
nhớm chân định đi lại đứa trẻ ngã như một thứ bản năng, bản năng một người làm
cha. Nhưng thằng bé đã kịp đứng lên nhăn nhó và cố cười ra vẻ “chuyện nhỏ như
con thỏ”.
Chúng biết ông lo cho chúng, chúng cảm nhận nơi ông một ông
già hiền lành và trong chúng, những thiên thần chưa bị cuộc đời làm vẫn đục tâm
hồn, chúng chợt thấy yêu mến ông.
Thế rồi chúng bảo nhau: “tội nghiệp ông quá! Ông kéo cái
thùng rác tô đùng”. Chúng không thể và không được phép giúp ông. Chúng bàn nhau
từ nay rác chúng sẽ tự đi xuống tầng trệt bỏ vào thùng rác để xe rác gồm những
thanh niên khỏe mạnh khiêng đổ lên xe. Thế rồi chúng làm, trước ít sau nhiều
trẻ tham gia, trước thì lúc làm lúc không sau thành nếp quen và chúng vui vì
bớt được cho ông cụ lao công mà không biết những rác của chúng chỉ là những vỏ
kẹo vỏ bánh hay vỏ chai nhựa nhẹ tênh.
Ông cụ đã nhận ra hành vi của bọn trẻ, ông không nhớ đã đã
bao nhiêu năm hay như cả đời ông được người yêu quý quan tâm. Ông có được niềm
vui hiếm hoi mà ít người có được, bọn trẻ con yêu quý ông, quan tâm đến ông dù
ông chẳng hề làm gì cho chúng.
Bao đêm rồi, ông chợt trở nên ngớ ngẩn khi ông, chính ông
lại ước chi mình là ông tiên có phép lạ và tặng chúng món quà để chúng vui,
thật vui và ông sẽ được chúng vây quanh và nói cười với ông.
Con người lắm khi sống sung sướng đầy đủ lại chịu xót mất
những điều kỳ diệu. Có khi rơi vào nghịch cảnh ngỡ như buồn khổ cô đơn lại vẫn
tìm được niềm vui có vẻ bé nhỏ nhưng lại đủ cho một tâm hồn.
Chiều nọ, ông phá lệ sinh hoạt và đi bộ dài ra công viên.
Ông cũng biết nó có cái hay khi nơi đây ông không biết ai và chẳng ai biết ông.
Ông không còn là ông già lao công cô độc, ông giống như mọi người ra công viên
hóng mát.
Một ông già xa lạ cười chào và ông cười chào đáp lại. Người
khách lạ, một ông già như ông nhanh chóng mở lòng nói chuyện. Đơn giản, với
người xa lạ chẳng bao giờ biết mình, chỉ gặp nhau và rồi sẽ chẳng biết đến nhau
luôn là tốt cho ông, vì cuộc đời ông không có chỗ cho người khách lạ và ông có
thể nói.
Câu chuyện trở lại bọn trẻ và ông vui vẻ
- Ông biết không! Tôi tiếc tôi không có gì tặng cho bọn trẻ
cả. Đáng buồn thay, tôi già và không bao giờ còn cơ hội.
- Ông có biết mình sai khi nghĩ như vậy không? Ông đã trao
cho chúng món quà rất quý giá!
- Làm gì có! Ông nói đùa
- Ông đã gợi trong lòng chúng biết trắc ẩn, biết nghĩ đến
người khác, biết thương một người già, điều đó khiến chúng đã tự tìm cho mình
một cách sống, một nghĩa cử cao đẹp hơn trăm lời giảng cho chúng về đối nhân xử
thế.
- Thật vậy sao!
- Món quà dù quý cho chúng cũng sẽ không còn giá trị còn
điều ông khơi dậy nơi chúng là cách sống đẹp và biết yêu thương. Đó là món quà
mà ông trao cho chúng và cũng như ông cũng nhận được món quà quý giá là chúng
quan tâm và thương ông. Chẳng cần có quà đâu, ông hãy đến với chúng và chúng sẽ
cho ông được bước vào thế giới thần tiên của chúng.
Tặng Dương Đức Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét