Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Múa gậy rừng hoang: Sạch sành sanh



Ông lão ngồi nhìn Tổ uống trà. Rõ ràng Tổ vẫn như mọi người uống bằng miệng, cầm ly bằng tay có gì là lạ! Thế tôn cũng thế thôi.

- Thưa Tổ, con nghe nói tu hành tức là tạo nghiệp. Sao lại như vậy? Tu để hết nghiệp chứ!
- Vậy tôi hỏi ông? Phật có tu hành không?
- Theo con, Phật thật không có tu hành.
- Có thể nói là tu hành là làm gì? được gì?
- Nhưng con là chúng sanh
- Vậy nên mới phải tu hành
- Nhưng tu hành là tạo nghệp.
- Chúng sanh thì chấp trước có không nên tu hành tức là tạo nghiệp!
- vậy là sao?
- Ông xem trẻ sơ sanh, nó có biết trắng xanh, xa gần, đẹp xấu, thiện ác, cái có cái không… gì không?
- Hổng có! Nó sơ sanh biết gì!
- Chính nó đó! Cảnh vốn tự an chỉ tâm người náo động. Tất cả đều do tâm vọng khởi, nhơn cảnh lập danh, trên sự lập lý. Xấu tốt tức là có không, có đẹp tức có cái không đẹp. Xa gần tức rõ có cái xa nên có cái không xa tức là gần, thiện có tức có cái không thiện. Thị Văn Thù tức thành hai Văn Thù, phi Văn Thù tức là hai văn Thù. Nói một tức hai, ba, bốn, năm đồng hiện. Tất cả không ra ngoài ý ngôn. Chấp trước ý ngôn, ôm lấy pháp vốn không thật, nơi cảnh có gì trói buộc tâm lại tự vọng khởi mở trói. Trên dư dối lại dư dối vọng lập tu hành. Tu hành tức là tạo nghiệp.
- Không theo pháp lấy gì tu?
- Làm ác sanh phiền não, làm thiện thấy vui, rõ ràng bị cảnh chuyển, pháp chuyển sao gọi là tự tại, sao gọi là giải thoát, sao gọi là Niết bàn tâm…Nếu có vật, có sự. có pháp làm ông vui thì không thoát khỏi có vật, có sự, có pháp làm ông không vui. Có sanh có diệt theo duyên, không phải tự trói vào sanh tử thì kêu bằng là gì?
- Vậy thiệt ra Phật pháp là gì?
- Là phương tiện.
- Phương tiện làm gì?
- Phật pháp không có nghĩa cho ai khởi hiểu nên đừng phí công học. Phật pháp ở tác dụng khiến người dứt trừ, khiến người tự dứt!
- Dứt trừ cái gì? tự dứt cái gì?
- Người đời theo nghiệp thức dù muôn ngàn sai biệt, ba ngàn bệnh, tán vạn bốn ngàn phiền não thảy đều do chấp trước có không, lấy giả làm chơn, sanh tâm lấy bỏ, nhận giặc làm con. Như người tự mang vác nặng chẳng được tự do. Phật pháp phương tiện khiến người bỏ bớt ách nặng cho đến ngày không còn gì để bỏ xả, tức là xả cả cái xả, cũng không cả cái ý tưởng xả cái xả vì nó là chướng ngại lớn nhất. Đó là Phật pháp!
- Vậy con hiểu cái công án buông xuống đi rồi!
Thế Tôn thăng tòa, có một Phạn Chí cúng dường hoa ngô đồng.
Phật bảo:
- Buông xuống đi!
Phạn Chí buông hoa bên tay trái xuống.
Phật bảo tiếp:
- Buông xuống đi!
Phạn Chí buông hoa còn lại bên tay mặt xuống.
Phật lại bảo:
- Buông xuống đi!
Phạn Chí nói:
- Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật còn bảo buông cái gì xuống nữa?
Phật nói:
- Chẳng phải ta bảo ngươi bỏ hoa. Ngươi phải buông xả ngoài lục trần, trong lục căn, giữa lục thức, nhất thời xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ấy chính là buông thân xả mạng của ngươi. 
- Ông Cà Chớn (Tổ gầm lên)
- Bà ngoại sắp nhỏ ơi! Ơi! Dạ! Sao Tổ cứ mà gào lên, cứ mà hét lên như vậy! Mời uống trà thôi mà!
- Mới bảo ông buông, ông lại nắm! Cái giểu đó có gì dính dáng!
- À! Từ từ! Tổ làm con quên mẹ nó cái gì hồi nảy rồi! Từ từ. Đúng rồi, con hiểu thiệt mà!
- Cái hiểu cái biết của ông trước sau đều do tâm duyên trần cảnh, trọn vẹn vẫn là thức ý tạo tác, ông bỏ viên sỏi trên tay để nhét núi Tu di vào con mắt.
- Ừa ha! Nhưng bà mẹ nó! Làm sao thoát được!
- Tôi hỏi ông cái “rung rẩy rả rời rụng rún” ngày xưa khi bà xã ông cười với ông bây giờ ở đâu? Có cần ông đoạn nó, có cần ông trừ nó, có cần ông diệt nó không?
- Nó mất tiêu rồi!
- Tâm vốn vô sự cần gì chạy loạn. Mời ông uống trà!
- Sao mà rắc rối, sao mà khùng khùng cái phật pháp ấy! Cho con hỏi câu này được không?
- Ông hỏi đi!
- Tổ không đánh con nha!
- Không đánh!
- Tổ có bị khùng không? hay tổ xảo ngôn?
- Ông nói rõ hơn đi!
- Đẹp mẹ hết cái biết thì còn tệ hơn thằng ngu, y như thằng khùng. Mà Tổ vẫn nói năng, vẫn đầy lý lẽ đó thôi!
- Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp. Như trẻ sơ sanh chẳng biết gì chúng có khùng, có ngu không?
- À ha! Nhưng chúng đâu có cái lưỡi dẻo quẹo như Tổ!
- Vậy chúng có nhìn có thấy không? Chúng có nghe có nhận ra âm thanh không? Và tất cả giác quan khác.
- Có chứ!
- Tôi cũng lại như vậy! Nhìn thấy chứ đâu phải không thấy! Nhưng khi nhìn (chiếu) mà không khởi tưởng (tịch). Tức không chấp trước có không (đẹp xấu, xa gần, thiện ác, …)
- Hèn gì chúa Jesus dạy “Thật, Ta bảo các con, nếu các con không thay đổi và trở nên giống như trẻ thơ, các con không thể vào Nước Thiên Đàng được”.
“Nhưng Đức Chúa Jesus phán rằng: Hãy để con trẻ đến với ta, đừng ngăn trở; vì Vương Quốc Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy”. (Ma-thi-ơ 19:14).”
- Lành thay! Lành thay! Phúc lớn cho ai được nghe lời này!
- May là thời hiện đại, không thì Tổ bị đuổi khỏi chùa vì ca ngợi tôn giáo khác!
- Tôi đâu có ở chùa! Người thường còn biết học điều hay ở mọi nơi, mọi tầng lớp xã hội để tu thân. Người tu hành sao được nghe lời dạy của bậc thánh mà không tán thán!
- Vậy ý Tổ là sạch sành sanh!
- Có thể nói như vậy, sạch hết, sạch sành sanh. Sạch luôn cái ý “sạch”
- Làm sao sạch sành sanh.
- Chỉ cần tâm không, không hết mọi thứ, 7 thức nghỉ giải lao trong sát na, ngay khi ấy liền khi ấy tự dứt! Còn làm tức là tự trói.
- Vậy đó là tự tại, đó là giải thoát, đó là Niết bàn, đó là Phật!
- Lại sanh kiến giải! tâm đã không thì còn cái gì? còn ai ở đó mà giải thoát, mà tự tại, mà Niết bàn mà Phật. Phật, Tâm, Niết bàn, Bồ đề, Giải thoát, tự tại chỉ là mượn lời dẹp lời, mượn lý dẹp lý. Tất cả cái đó đâu thật có để mà tìm, mà đắc. Đó chính là chỗ lầm chấp phương tiện thành cứu cánh của người tu thành tạo nghiệp vậy!
- Dễ ẹt! vậy là con sẽ sạch sành sanh!
Tổ im lặng uống trà, mắt nhắm. Ông lão cũng tự tịnh tâm mình. Thời gian trôi qua chợt Tổ hét lớn một tiếng.
- Bà mẹ nó!Con đang tịnh tâm Tổ lại gào thét! Ai bệnh tim gần Tổ thì chắc chắn Tổ ở tù vì tội sát nhân!
- Ông tin ông sẽ sạch sành sanh chứ!
- Chắc chắn! Dễ ẹt!
- Thật đáng mừng! Nhưng mà nè ông Cà Chớn! Vợ ông mấy hôm trước ghé đây. Bà ấy có vẻ bực tức và lo lắng.
Ông lão mất vẻ ung dung, ông thấy lo lo. Gì thì gì đàn ông làm chủ thế giới còn phụ nữ làm chủ đàn ông. Ông đã biết thế nào là vợ, nên như mọi người đàn ông. Ông phải sợ.
- Có việc gì vậy không Tổ?
Tổ nhìn ông lão ra vẻ trầm ngâm. Lão càng thấy bất an, dù gì lão cũng chưa bao giờ là một người đàn ông ngoan.
- Vợ ông lo lắng vì ngoài 200Km bờ biển bị đánh độc cá cùng thực vật biển chết hết, còn 10.000 cây số tính từ tâm Vũng Áng cá và mọi sinh vật biển cũng bị nhiễm độc, ăn hải sản là ngộ đọc dù không chết ngay cũng nhiễm độc từng ngày thành mãn tính. Hôm nay trẻ con cũng nhiễm độc nguy cơ ung thư, vô sinh, quái thai … thật khó lường trong 50-70 năm nữa. Vợ ông giận vì ngoài biển Formosa còn lén lút phân tán chất thải công nghiệp chôn vào lòng đất khắp nơi nghĩa là đất cũng nhiễm độc. Chưa hết, chúng còn đánh độc bằng nước thải vào suối và cả sông ngòi quanh đó. Nói chung từ hải sản , nước mắm đến muối, rau hoa quả cũng bị nhiễm độc.
Ông lão chết lặng, ông biết qua loa về Formosa đánh độc biển, hủy hoại môi trường và vẫn được chính phủ cho phép hoạt động tiếp. Giờ thì rõ hiểm hoa khôn lường mai sau.
- Tổ ơi! Việc tày đình hủy hoại thiên nhiên và cố tình hủy diệt đồng bào! Làm sao sạch sành sanh!
- Thật ra, tất cả những tư tưởng mống khởi chúng theo duyên mà sanh mà diệt. Chúng đâu thật có. Thế tôn đại từ chỉ ra vọng tưởng điên đảo huân tập thành nghiệp thức chính là sinh tử tiếp nổi. Tùy theo căn cơ khác biệt, kẻ thì cố tu tập trừ ác lập thiện, kẻ cố vượt qua bản ngã hư dối, kẻ chấp vào pháp khổ công tịnh niệm công phu. Đó chỉ là tu mà tạo nghiệp luống chịu luân hồi. Còn cái sạch sành sanh kia cũng không phải chân!
- Đã sạch sành sanh còn chẳng chân nữa sao Tổ!
- Sạch sành sanh để phá hữu (có) mà tâm kia nào không!
- Là sao Tổ!
- Như cảnh trước mắt người chấp trước có không tự sanh vọng kiến. Rồi bây giờ lấy cái hiểu dẹp vọng kiến để được cái sạch sành sanh, sạch sành sanh vẫn là hư dối.
- Vậy chẳng dẹp vọng làm sao được chân.
- Chân không thật có! Vì phiền não Thế tôn dựng lập Bồ đề; vì chúng sanh mới giả lập Phật; vì phàm mà dựng lập thánh; vì vọng tưởng điên đảo mà lập Niết bàn tịch tĩnh. Đó chỉ là lá vàng nói là vàng đễ dỗ trẻ (đồng mông) mà thôi! Tôi nhắc lại như đối cảnh nếu chẳng vin theo thì không bị cảnh chuyển. Như đối với tất cả các pháp có không tâm không lấy bỏ (thủ xả) … thì đâu cần Bồ đề, đâu cần tâm pháp, đắc Phật để làm gì! Vì tự chồng chất mang vác (thủ) nên cần phải bớt, trừ (xả). Vì bị câu thúc bởi pháp trần nên cầu tự tại; vì tự trói buộc vào kiến giải mới cầu giải thoát; vì chán phàm mới mến thánh; vì muốn thôi chúng sanh mà cầu đắc phật; Vì trừ ác mới lập thiện; vì chán sanh tử mới cầu Niết bàn, vì sợ phiền não mới cầu bồ đề. Chính cái cầu, cái lấy đó vẫn chỉ là bóng dáng của chấp có chấp không (ngã – si), chính cái cầu đó vẫn là gốc tham.
- Vậy mới nói! Đạo Phật bây giờ bên Ấn độ đã không còn. Ở các nước Thái, Lào, việt chỉ còn tịnh độ tiểu thừa.
- Ngộ tại tâm chẳng ở pháp. Dù bên Pháp, Anh, Mỹ chẳng có thiền sư mà vẫn có người chứng ngộ bản tâm. Tiểu thừa, đại thừa vẫn chỉ là phương tiện. Có gì dính dáng bổn tâm.
- Cái đó tạm gác lại, con mê muội bao đời thì thêm một đời mê muội cũng chẳng chết thằng tây nào! Như cái vụ Vũng Áng đó là tội ác tày trời, con là người Việt làm sao cho phải?
- Vậy nếu Vũng Áng không xảy ra việc Formosa đầu độc biển với đất, ông có rụng mất cọng râu không?
- Không!
- Vậy cùng xảy ra việc tàn khốc ở Vũng Áng, người Việt hoang mang tức giận còn người ở Châu Phi họ làm sao?
- Họ chẳng bận tâm!
- Cùng là Vũng Áng sao lại có dị kiến (cái thấy khác nhau).
- Vậy Tổ nói, con bắt chước theo như Tổ, kệ mẹ đồng bào dân tộc ư!
- Ông có biết đảng cộng sản và chính quyền Trung quốc hàng năm sát hại mấy trăm ngàn người để cướp nội tạng không?
- Con có biết! Bọn cộng sản Tầu thật là ác quỷ đội lớp người, chúng không còn nhân tính!
- Lành thay! Đối với việc ác thì không thể khoanh tay, tùy theo hoàn cảnh mỗi người góp phần của mình vào việc chống cái ác, xiển dương cái thiện. Cả thế giới đã có đủ chứng cứ sau nhiều năm điều tra đã lên án, đồng bào nhiều quốc gia đã phản đối việc làm tàn ác này… điều đó cũng góp phần khiến đảng cộng sản và chính quyền Trung quốc phải chùn tay (dù không bao giờ chúng dừng lại khi đảng cộng sản còn tồn tại, đó là lợi nhuận cực lớn). Không chỉ giới hạn đó là quê hương mình, dân tộc mình mà phải vì nhân loại. Dù chỉ là nông dân thì một tiếng nói giữa bạn bè, nơi công cộng. tham gia biểu tình thì đó là một ngọn đèn châm vào ngọn đèn khác. Việc đó mà không làm sao gọi là từ bi.
- Vậy là chạy loạn rồi!
- Việc đến liền có, việc qua thì thôi! Như Thế tôn xưa 49 năm đi suốt Ấn độ thuyết pháp, ngài đâu có điên đảo, ngài đâu có chạy loạn. Tu là tu ở tâm chẳng phải tu ở pháp. Đói thì phải ăn, khát phải uống điên đảo chỗ nào?
- Vậy không điên đảo chỗ nào?
- Có bậc tôn túc đã nói “thiền khách đói ăn mệt ngủ”, liền bị vặn “khác nào phàm phu”. Ngài trả lời “Khác! Ăn không ăn, đòi trăm thứ. Ngủ không ngủ nghĩ ngợi ngàn việc”.
- Vậy thật không có đắc pháp đắc Phật sao?
- Đắc quả vị Phật thì chẳng không. Phật bất khả đắc. Tâm tức Phật sao lại Phật đắc thêm Phật nữa! Lại hỏi ông đắc Phật để làm gì? Nếu chấp đắc Phật có chư bồ tát vây quanh, quải môi lưỡi nói đạo nói thiền nói tâm thì để làm gì? Chẳng phải là muốn được tôn vinh, muốn hiểu biết cao siêu, muốn có lục thần thông đó sao?
- Vậy chỉ cần tâm mình an!
- Lành thay! Chỉ cần với cảnh đừng bị cảnh chuyển, không bị pháp có không trói buộc, không có Phật để thành vì đó là phật chướng, đừng cầu hiểu vì hiểu biết nhơn duyên theo cảnh mà sanh tri giải, tức là KHÔNG CẦN XẢ CHỈ ĐỪNG NẮM. Nếu chẳng thật ngộ nơi bổn tâm thì dù có đọc có hiểu hết tất cả kinh văn của Thế tôn cũng chỉ là ý ngôn.
- Vậy Tổ có đi biểu tình với con không?
- Không! Công an sẽ đánh, sẽ bắt và sẽ truy tố về tội “làm mất trật tự công cộng” dù biểu tình trong ôn hòa và đi đứng đúng luật giao thông!
- Vậy Tổ làm gì?
- Tôi cầu nguyện!
- Nghe sao giống đạo thờ kính đức Chúa Trời!
- Cái hay cái phải cái thiện, dù làm theo với lòng thành có gì là sai!
- Chết mịa con rồi! Vợ biểu ghé sang nhà thầy lăng băm lấy thuốc, rồi con chạy gấp về nhà nếu trễ bị la!
- Khỏi chạy! bà Ba nẹt ga sáng nói “có hẹn, thầy lang đến xin hái mớ cây mắc cỡ làm thuốc chữa bệnh đau khớp”.
- Đúng là oan gia không gặp không xong. Con đi đây! Chúc Tổ khỏe mạnh!
- Khoan! Ông cho tôi hỏi. Khi lễ Thế tôn ông có văng tục như ở đây không vậy?
Ông lão cười, Khi ra đến bước ra cửa và nói vọng vào:
- Dạ không! Con đi với Phật con mặc áo cà sa!

2 nhận xét:

  1. Hỏi: Theo kinh điển của Phật tu hành chứng quả, còn thiền tông của chư Tổ lại trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Có chống trái nhau không?
    Trả lời: Từ trước thời Oai Âm Phật vốn không thứ lớp tu chứng. sau đời Phật Oai Âm thì thập địa tu chứng chẳng không. Lời Thế tôn dạy là lời chắc thật, tam hiền tứ thánh không nên nghi ngờ. Nhưng tam thừa thứ lớp tu chứng vẫn là chấp trước nên nơi kinh Pháp Hoa Thế tôn đã dạy nhất thừa. Nếu hiểu nhất thừa là một vẫn còn là kiến chấp hà huống có ba thừa! Nhất thừa phải hiểu là tối thượng thừa cũng chẳng bài xích tam thừa!
    Từ Tổ Ca Diếp truyền thừa về sau, nối tiếp huệ mạng Như lai là tối thượng thừa, tức sau Phật Nhiên Đăng. Chẳng có phân biệt tu chứng thứ lớp hay trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật.
    Trong kinh Pháp Hoa. “Thiệt ta thành Phật nhẫn lại đây, đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na do tha kiếp.”
    Cũng xác định tôn chỉ Phật tâm, chẳng do thứ lớp tu chứng cũng không có năng đắc, sở đắc. Cũng thật không có danh xưng Phật.
    Vĩnh Gia Huyền Giác Thiền Sư, họ Đới quê ở Ôn Châu. Thuở nhỏ tu học Kinh Luận, chuyên về pháp môn chỉ quán của Thiên Thai Tông, nhân xem Kinh Duy Ma Cật phát minh tâm địa (Kiến tánh). Bỗng gặp đệ tử của Sư là Huyền Sách đến thăm, luận đàm với nhau; thấy lời nói của Huyền Giác khế hợp với Chư Tổ, Huyền Sách hỏi: “Thượng Tọa đắc pháp nơi Thầy nào?”.
    Đáp: “Tôi nghe giảng Kinh Luận Đại Thừa, mỗi mỗi đều có Thầy truyền thừa, sau xem Kinh Duy Ma Cật ngộ tự tâm Phật, nhưng chưa có Thầy ấn chứng”.
    Huyền Sách nói: “Trước thời Phật Oai Âm Vương thì được, sau thời Phật Oai Âm Vương, không Thầy mà tự ngộ, ấy đều là thiên nhiên ngoại đạo”.
    Trước thời Phật Oai Âm không có pháp tu chứng thứ lớp!
    Xin trích lời Tổ Huệ năng
    “Tâm ta tự có Phật, Phật ở tâm mình mới thật là chân Phật Nếu tự mình không có Phật, tìm Phật ở nơi nào?”
    Đã xác định rõ há nào thứ lớp tu chứng!
    "- Trước đốn mà sau tiệm, trước tiệm mà sau đốn, người không ngộ đốn tiệm, trong tâm thường mê muộn.
    - Nghe pháp trong đốn mà tiệm, ngộ pháp trong tiệm mà đốn, tu hành trong đốn mà tiệm, chứng quả trong tiệm mà đốn. Ðốn tiệm là nhân thường, trong ngộ không mê muộn."
    Cũng nơi đây Lục Tổ lại xác định, tùy căn cơ (đốn tiệm là nhơn thường) hoặc thứ lớp tu chứng, hoặc kiến tánh thành phật.
    Và cuối cùng vẫn xin trích lại lời Tổ “Tâm ta tự có Phật, Phật ở tâm mình mới thật là chân Phật Nếu tự mình không có Phật, tìm Phật ở nơi nào?”.
    Chỉ do kiến giải liền thấy chống trái, do ôm pháp chấp mà tự trái. Nếu rõ Phật pháp chỉ là phương tiện để người tu hành tự dứt mà thôi. Chớ lầm lẫn phương tiện thành cứu cánh!

    Trả lờiXóa
  2. Hỏi: những lời thuyết giảng này căn cứ vào đâu?
    Trả lời: nước nghe gió lăn tăn
    Lỗ chân lông tự rỗng

    Trả lờiXóa