Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Múa gậy rừng hoang: Ngã không thể trừ



Lão già đúng là không dây mà tự trói, hay tại cái nghiệp gì lôi kéo.
Ở nhà thì chẳng biết làm gì. Làm việc nhà thì xưa không hiểu những việc vô danh lắm thế, quét sân, quét nhà, lau chùi mọi thứ, rồi xếp lại đồ…không sao đủ thời gian. Còn bây giờ lão thấy rõ đâu đã vào đó, cái sân thì quét mấy quay lại cũng lại thấy lá rụng, nhà quét trăm lượt vẫn còn bụi. Ra đồng thì lão hết rồi cái thời cày cuốc không biết mệt cũng như chẳng biết đau lưng. Ngồi câu cá dù được vẫn để rồi tự hỏi “con cá này có nhiễm độc không” và câu trả lời treo lơ lững “Bất cứ đâu trên đất nước đều bị nhiễm độc” không chỉ cá 200km bờ biển miền trung chết mà bán kính 10.000 Km biển tính từ tâm Vũng Áng đều bị nhiễm độc.

Thế mà lão lại cứ đi làm một việc mà chính lão biết là ngu không chịu được. Đó là cứ đến lễ bái Thế tôn và hỏi thì thường nhận được một chữ “lầm”.

Thế đã là ngu, lại không thể không đến gặp Tổ và cuối cùng thì chẳng bao giờ nhận được một lý một lý lẽ nào để hiếu mà cái nhận được là chỉ thấy mình sai cần bỏ. Lão đành tự nhủ “chắc tại cái nghiệp nên mình cứ bị hành cái thân đến lễ Phật đến viếng Tổ mà như Tổ nói lại “chẳng có con mẹ gì công đức” .

- Thưa thế tôn, các sư nói phải trừ bản ngã, tự ngã… nói chúng cứ là ngã phải trừ. Nhưng nói huyên thuyên ba bà mụ, sáu thiên lôi. Con xem lại cái vô ngã của Thế tôn nói, trừ gì thì trừ vẫn là con, vậy làm sao trừ?

- Lầm!

Lão ông lại lễ bái Thế tôn rồi đi ra không quên lẩm bẩm:

- Nếu hổng phải cái ngã (ta) lễ cái nhân (Thế tôn) đây sao? Gặp Tổ chắc cũng vô ích vì chẳng sẽ hiểu thêm được gì mới!

Lão đến gặp Tổ thì thấy Tổ đang chui dưới gậm bàn tìm kiếm gì đó.

- Con chào Tổ! Tổ kiếm cái gì vậy?

- Tôi kiếm con kiến ba khoang. Nó bò mép bàn tôi đang quơ tay, mắt vừa kịp nhìn nhưng tay dừng hổng kịp, hất nó té xuống đất. Phải khéo bắt nó thả ra ngoài đất, kẻo nó đốt một phát thì đau lắm.

- Tổ kiếm nó bao lâu rồi?

- Từ sáng hôm qua khoảng 6 giờ.

Ông lão kinh ngạc thật sự, bây giờ gần 11 giờ trưa. Hơn một ngày ư! Ông nhìn xuống cái lưng Tổ với tấm áo bạc màu mà chợt cảm thương.

- Xin Tổ ngồi lên nghỉ ngơi, con đi nấu nước pha trà liền. Qua nay Tổ ăn cơm chưa?

- Hôm qua có bà ba Nẹt ga qua nấu cơm cho tôi ăn. Hôm nay bà Nẹt ga cũng sang nấu cơm pha trà rồi!

Trong khi Tổ chui ra, ông lão chỉ còn muốn đi về ngay. Nói gì thì nói chứ nói chuyện với bà ba Nẹt ga thì lão sẽ tức điên lên. Không hiểu cái bà Nẹt ga ăn học ở đâu mà nói chuyện toàn là châm chích người như bầy ong trong cơn giận dữ. Lão đợi Tổ đứng lên rồi chào Tổ để đi ngay nhưng lão lại ngạc nhiên khi thấy Tổ không đeo kính và ánh mắt sáng ngời!

- Mèn ơi! Tổ không đeo kính làm sao nhìn thấy con kiến ba khoang?

- Hèn gì! Ta không sao nhìn thấy cái gì rõ, cứ mờ mờ. Cám ơn ông Cà Chớn! Để tôi mang kính rồi kiếm nó!

- Tổ ơi! Con xin phép Tổ cho con nói thiệt bụng nghen!

- Ông nói đi! Tôi nghe!

- Tổ có bị ngu không vậy? Ai đời mắt người già bị viễn không đeo kính làm sao nhìn được con kiến. Đã vậy từ hôm qua đến nay, con kiến đã bò đi hay bay đi rất xa mà Tổ vẫn kiếm dưới cái gậm bàn?

- Lành thay! Lành thay! Ông nói phải, đã như thằng mù lại còn cố nhìn cố tìm cái không có ở đó. Vậy nghe lời ông, tôi không kiếm con kiến nữa!

Chợt Tổ thét lớn! Ông lão cơ hồ té bật ngữa xuống đất, lão quên mất mọi thứ, mọi suy nghĩ liền dứt.

- Mời ông uống trà!

- Trời đất ơi! Con lạy Tổ, Tổ làm ơn đừng có mà gào lên, mà hét lên khi kêu con uống trà! Tổ ơi! Đó là khủng bố người ta đó. Sao Tổ chưa bị bắt giam truy tố!

- Ông sai rồi! Khủng bố làm người sợ hãi, gây tổn hại hoặc thân thể hoặc tinh thần. Xưa nay đã từng có ai sau khi nghe tiếng thét, tiếng rống mà bị di hại về thân thể hay tinh thần bao giờ! Ngoài đường tiếng kèn xe tải còn gây choáng cho người lái xe gắn máy mà chưa bị bắt. Ông đến thăm tôi cám ơn thêm sự lo lắng của ông dành cho tôi.

- Hổng phải! Con muốn Tổ bị bắt nhốt vài tháng cho chừa cái tật cứ hét lên làm con giật mình á!

Thế rồi lão kể lại việc đến gặp Thế tôn.

- Con xin Tổ nói con cách trừ bản ngã, tự ngã, mọi cái ngã để con được vô ngã!

- OK! Theo thứ tự nhé! Ông biết cái gì là ông chưa?

- Mấy lần trước con biết cái thân này không phải con, nhưng nơi sắc thân này hội đủ tam thân Phật. Mà khoan, Tổ nói rõ cái này đi. Cái tam thân Phật ấy! Rồi nói trừ cái ngã sau!

- Đây là nói theo lời Lục tổ Huệ năng. Phật là tên gọi mỗi mỗi hàm linh. Thân tứ đại sanh do nghiệp chiêu quả gọi là sắc thân.

Hiện tiền là báo thân phật.

Một niệm vọng tưởng vừa sanh liền khi ấy, ngay khi ấy đã sanh vào cõi khác, niệm thiện thì vui, niệm ác thì khổ, thiện nếu chẳng từ tự tánh thiên chơn thì thảy là phiền não, lại nữa một lời nói ra khiến người trừ kiến giải thì là bồ tát hóa thân, một lời khiến người tự trói buộc thì là hóa thân ma, một việc làm giúp người thì là bồ tát, làm một việc ác thì là hóa thân ma.

Bất cứ khi nào ở đâu, dù làn sóng ý thức có xô vẫn không rời phật tâm, người hàng phục tà ma (tham sân si) ngoại đạo (tà kiến), từ nơi quyền trí dựng lập tất cả pháp phương tiện tiếp dẫn độ sanh về bồ đề vô thượng thì gọi là pháp thân phật như nơi sắc thân tứ đại của Thế tôn nếu khéo sẽ rõ pháp thân phật.

Mới biết sắc thân hội đủ tam thân phật. Ngoài ra ông nhìn khắp đại thiên, nơi cảnh ấy nào phải ông, nên nơi sắc thân thật hội đủ tam thân phật vậy!

- Tam thật phật này! (ông lão chỉ cái thân mình) trông mà phát chán!

- Chán hay ưa, lấy hay bỏ vì ông vọng chấp. Thảy thuộc về thức ý nhơn nơi cảnh mà sanh!

- Tổ nói con nghe! Nhưng thiệt lòng con mê muội vẫn thấy tam thân Phật này … hổng ham. Rồi Tổ nói con nghe làm sao trừ bản ngã để được vô ngã.

- Mấy hôm trước tôi nói về vô ngã tức pháp vô ngã. Nay sẽ nói về nghĩa vô ngã.

Tổ gầm lên một tiếng:

- Mời dùng trà!

- Thiệt hết chịu nổi! Con mới nghĩ ra cái gì đó bị Tổ hét quên mẹ nó rồi!

- Vậy là tốt! Ông đã biết đó là vọng, chính khi dứt ấy lại chẳng có cái khác!

- Nhưng hét toáng lên để làm gì! Con đâu có tu học theo Đạo Nhất (sau Bá Trượng nối pháp Đạo Nhất).

- Ờ ờ! Đâu không nghe Tổ Huệ Năng nói! Ta thấy là thấy lỗi ở tâm mình, chẳng thấy là chẳng thấy lỗi của người!

- Bữa khác Tổ nói về “thấy là thấy lỗi ở tâm mình, chẳng thấy là chẳng thấy lỗi của người”. Bây giờ Tổ nói về cách trừ bản ngã đi. Nhưng Tổ đừng có gào lên nữa nghe! Ai mà bệnh đau tim chắc chết luôn á!

- Ông là ai?

- Lại câu này! Dĩ nhiên con không biết! Biết thì đã thành phật mẹ nó rồi! Nhưng Thế tôn chỉ nói về tâm.

- lành thay! Vậy tâm là cái gì?

- Tổ lại bị ngu! Tâm không là vật gì cả!

- Tâm chẳng phải vật, vậy còn lại cái gì? Tôi với ông cùng xem. Thân ông có mắt, tánh giác rõ ràng là thấy, thấy tức là tánh. Cũng lại như vậy nghe, giác biết đều là tánh. Nhờ tánh này mới biết diệu dụng của tâm chẳng đồng vô tri kia.

- Biết rồi!

- Vậy sắc thân có phải phật tâm của ông không?

- Không. Vì sắc thân sinh trụ hoại diệt mà tâm không theo thân sinh diệt.

- Vậy báo thân có phải phật tâm không?

- Không! Vì do duyện nghiệp báo chiêu quả mà hiện nên chẳng phải Phật tâm

- Vậy hóa thân có phải phật tâm không?

- Chỉ là thị hiện nhất thời của phật tâm thành phật thành ma. Chẳng phải!

- Vậy pháp thân phật có phải phật tâm không?

- Phải!

- Vậy lìa sắc thân cái gì là pháp thân?

- Để coi, để coi! Vậy pháp thân là cái gì?

- Pháp thân phật chỉ là tướng của phật tâm (*), cũng là tánh thiên chơn (kiến tánh). Người kiến tánh thì phật tự hiện tiền chính là pháp thân phật. Rốt ráo tâm đó mà có ngàn tên gọi. Như gọi bồ tát, gọi phật, gọi chúng sanh chỉ là tên gọi suông như người mặc áo, màu có khác nhau, kiểu dáng khác nhau mà lột áo cũng chính là y.

- Nhiều chuyện thiệt! Sao Thế tôn không nói huỵch tẹt, nói ngắn gọn cho người ta nhờ?

- Tùy thời điểm mà nói, tùy chỗ chấp trước của người mà nói. Như ông dạy con khi còn chập chững thì nó ăn ông vỗ tay khen và chỉ cố dỗ con ăn giỏi ngủ giỏi, thấy con chơi vui cười thì ông mừng, lớn lên thì chẳng dỗ ăn mà dạy con ngủ đủ giấc, dậy đúng giờ, lo học hành, biết bổn phận làm việc nhà, rồi khi trưởng thành lại khác, không được nói con phải làm thế này thế nọ, phải tôn trọng lắng nghe con, cố hiểu con và chỉ góp ý mà thôi! Lại tùy theo tính cách con mà dạy. Con ngổ ngáo ngang tàng thì dạy nó tự lập khuôn khổ, con nhút nhát phải dạy con đạp đổ khuôn phép hẹp hòi mạnh dạn sống. Chẳng thể nói hết, nên tán thán Thế tôn là đấng từ phụ.

- Tổ có con không?

- Tôi có em, có bạn.

- Em Tổ là ai?

- Là ông, là ông Cà Cháo, là bà ba Nẹt lửa, là tất cả mọi người gặp và không gặp.

- Tổ nhận bà con ghê thiệt! Lần nào cũng như lần nào, càng nói càng hổng có chỗ để hiểu. Vậy học làm sao, làm thế nào kiến tánh?

- Nếu là làm là học vĩnh kiếp không kiến tánh! Vô năng sở, vô trụ vô y.

- Không làm gì ráo, không học gì ráo, không khởi niệm gì ráo phải không?

- Đó là nói miễn cưỡng, nhưng ngã không rõ ràng làm sao không hết mọi thứ!

- Đó đó, cái bản ngã làm sao trừ?

- Nếu không có cái ngã lấy ai hỏi? lấy ai tu?

- Vậy là sao?

- Tâm là cách gọi khác của Thế tôn để phân biệt với ngã. Tâm ấy vô tướng, chẳng thể cấu nhiễm, chẳng thể thêm bớt, chẳng động tịnh. Do thức tâm nhơn cảnh lập ngã hư dối, đeo đuổi theo trần cảnh nên tự mê mình. Cảnh với không lỗi, 7 thức không lỗi chỉ do duyên (duyên sanh duyên diệt) nên dấy động. Đầu tiên phải rõ tâm chẳng phải vật gì nên “chẳng thể nói có”, tâm chẳng đồng vô tri kia nên “chẳng thể nói không”, chẳng thể hí luận mà nói “cũng có cũng không” và cuối cùng chẳng thể điên đảo nói “chẳng có chẳng không” thảy là ngôn thuyết không ra ngoài ý ngôn.

Tâm chẳng thể thấy vì vô tướng, Tâm chẳng thể nói có tánh không tánh vì chơn tánh nếu chẳng lấy cảnh so đo, chẳng duyên theo theo cảnh thì thật là tịch diệt. Nơi cảnh tuy chiếu và vẫn tịch nên gọi tịch chiếu. Đừng tìm tâm vô ích!

Ngã hư dối vọng lập thật chẳng ra ngoài tâm kia (tâm chẳng đồng vô tri) như nay đối với mắt nhìn thì giống như trẻ mới sanh, nhìn thấy mà chẳng lập danh, chẳng khởi tưởng tánh tướng so đo. Như tiếng nhạc vang lên, người lớn bi trôi lăn vào âm thanh, trẻ nghe mà chẳng phân biệt thăng trầm, thanh trọc, chẳng phân biệt điệu nhạc buồn vui, đó là nghe mà không nghe vì chẳng bị thanh chuyển.

Như lưỡi nếm thì cay chua ngọt đắng. Vậy liếm hư không lại là vị gì? Không vị gọi tên do so đo phân biệt các vị khác, chính không vị lại là vị gì? Nếu chẳng so đo phân biệt ai ở đó đặt tên “không vị”. Chính cái không này rõ ràng tánh giác. Vừa lập tên gọi, vừa so đo phân biệt lập lý đều là ngoại đạo.

Ngã không thể diệt, vì nó là cái gì mà diệt. 7 thức vốn chẳng tự yên, đối cảnh bị chuyển thì rõ ràng hữu nhân tất là hữu ngã. Ngã đó chẳng lìa mé tâm. Nếu diệt ngã thì tâm là cái gì?

Thức không thể diệt, ngã hư dối theo duyên sanh duyên diệt hiện ẩn. Lấy cái gì trừ. Lấy ngã trừ ngã càng thêm mê muội.

Nếu diệt ngã, phi ngã chẳng còn. Thế tôn sao lại thuyết pháp và niêm “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca-diếp".

- Vậy ngã không thể diệt thì làm sao được vô ngã?

- Ngã vốn không thật có, nó là vật gì mà diệt. Xem lại nó là cội gốc của thâm sân si. Ngã tức vô minh, nó chẳng thật có trừ làm gì!

Còn vốn vô ngã (tâm) cần gì phải lo. Tâm kia chẳng phải một vật gì, dù đắc quả chánh đẳng chánh giác phật Thế tôn cũng chẳng được tâm, dù làm chúng sanh cũng chẳng mất tâm. Tâm chẳng bị cảnh nhiễm, chẳng bị tất cả pháp trói buộc, chẳng thuộc ý niệm có không nên gọi vô ngã,  chẳng vì phi ngã mà có vô ngã, chẳng vì tam thiên đại thiên mà mất vô ngã. Thế tôn chẳng được vô ngã (tâm). Chúng sanh chẳng mất vô ngã (tâm). Chỉ cần tu hành bát nhã.

- Tu hành bát nhã là sao?

- Bát nhã tức là vô ngã. Bố thí bát nhã ba la mật tức không có người bố thí, vật bố thí, pháp bố thí và người nhận bố thí.

- Vậy không cần trừ ngã, chẳng cần cầu vô ngã vì vô ngã vốn là tánh của tâm. Rốt lại cũng như bao nhiêu lần trước là không có con mẹ gì để hiểu hết ráo? Vậy làm sao tu

- Tự tu nơi tâm mình, mượn pháp nhưng pháp chẳng thật có, ý ngôn chính là ngoại đạo cần hàng phục. Phương tiện nhiều đường đến lúc kiến tánh mới hay tự tánh kia chưa từng che dấu. Đừng quá ngu độn mà nhủ tu nhiều kiếp, tu vô lượng kiếp thành phật! Vốn đã là phật rồi sao lại đợi thành. Những kẻ bảo người khác từ bỏ bản ngã, tự ngã … đó là lời nói của tăng thượng mạn.

- Thôi con không cần biết ngã hay vô ngã gì ráo! cho con hỏi câu nữa rồi về nhà tự tử!

- Lành thay! Lành thay!

- Làm sao để nhận diện sư tốt và sư hổ mang?

- Hể ai nói, ai hành động mà khiến ông dứt hết hay bớt mọi kiến giải, sanh lòng tin nơi bổn tâm mình thì đó là phật thuyết. Ai giảng giải mà khiến người khác học được, hiểu được, hành được đó là ma thuyết! Nói thêm ông cái này!

- Tổ đừng can con tự tử à nhe!

- Không bao giờ! Hễ cái gì là thật có thì hằng thường nên không thể diệt. Cái gì có mà không thật có, do duyên mà hiện ẩn (duyên sanh duyên diệt) thì không cần trừ và cũng không thể trừ được vậy!

- Chào Tổ, con về nhậu với ông bạn. Mém nữa lại quên!

- À này!

- Con biết rồi! Đừng có ăn cá rủi nhằm cá bị formosa đánh độc bằng hóa chất, chứ không phải “ăn cá để cá được phước” nghe theo thằng thầy chùa mất dạy dám chữi Lý Thường Kiệt Kiệt đánh Tàu là hổn đâu!

- Không phải! Con kiến ba khoang đang bò trên trên cổ áo ông kìa! Đừng vô cớ giết nó, phủi khéo rồi đem nó ra ngoài ruộng.

(*) Thế Tôn ở cõi trời Đao Lợi chín mươi ngày, rồi từ giã cõi trời đi xuống. Tứ chúng bát bộ đều đi nghênh tiếp. Có Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc nghĩ rằng: Tôi là người Ni ắt phải xếp hàng sau lưng các đại Tăng khi gặp Phật. Chi bằng dùng thần lực biến thành Chuyển Luân Thánh Vương có ngàn con hộ vệ để được gặp Phật trước mọi người.
Thế Tôn vừa thấy liền quở rằng: Liên Hoa Sắc! Ngươi đâu thể qua mặt các đại Tăng mà gặp ta. Ngươi dù thấy sắc thân ta nhưng chẳng thấy Pháp thân ta. Tu Bồ Đề tuy tĩnh tọa trong hang lại được thấy Pháp thân ta

.

2 nhận xét:

  1. Bản ngã dù không thật có, khi ngã thì vọng tưởng mà mọi ác pháp từ đây sanh, cũng từ ngã tất cả thiện pháp cũng từ đây lấy bỏ. Ngã không thể trừ chỉ hướng về thiện pháp. Chính ngã hư dối này vọng tu vọng tập. Nếu chưa tự tín nơi bổn tâm mình thì hướng về thiện nghiệp tu hành. Xin trích bài kệ của sư Thần Tú được ngũ tổ khen: Theo đó tu hành tránh được ba đường dữ. Theo đó tu hành sẽ đắc thành Phật.
    Chính lục Tổ Huệ Năng cùng chư tăng thắp hương lễ lạy bài kệ này
    Thân thị bồ đề thọ
    Tâm như minh cảnh đài
    Thời thời cần phất thức
    Vật sử nhạ trần ai.
    Thân là cây bồ đề
    Tâm như đài gương sáng
    Luôn luôn siêng lau chùi
    Chớ để bụi trần bám.
    Vậy bất kỳ ai dạy bảo người từ bỏ ngã, bản ngã… đó là lời nói chết. Là lời kẻ lừa đảo không thấu pháp phương tiện, càng không phải khách trong thiền tông.

    Trả lờiXóa
  2. Tâm vốn chẳng vật gì
    Lại chẳng đồng vô tri
    “bổn lai vô nhất vật” (*)
    Không được, trọn chẳng mất
    Vô ngã chính nghĩa này
    Vọng khởi cảnh đồng bày
    Duyên sanh rồi duyên diệt
    Ngã ẩn hiện rõ biết
    Ngã trừ ngã, ngu si
    _ _ _ _ _
    (*)Bài kệ của lục Tổ Huệ Năng
    "Bồ-đề bổn vô thọ
    Minh cảnh diệc phi đài
    Bổn lai vô nhất vật
    Hà xứ nhạ trần ai ?"
    Bồ-đề vốn không cây
    Gương sáng cũng chẳng đài
    Xưa nay không một vật
    Chỗ nào dính bụi bặm?

    Trả lờiXóa