Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Mắt Saigon: Tâm lượng (2)



3) Đối tượng giải quyết của Phật học là ý thức gây rắc rối.
* Niệm: Thế giới vũ trụ qua nhãn căn và nhãn thức tự sanh một thế giới ảo trong não, cái duy nhất mà con người cùng mọi loài hàm linh thấy nghe … biết thảy đều trong thế giới ảo này, thảy do tâm sanh (7 thức) nên gọi là tâm lượng, cũng là pháp giới.

Ngay khi một hình ảnh, một âm thanh … từ nhãn căn đưa về chính nhãn thức, nhĩ thức… vào tâm lượng thì chính nó là NIỆM.
Niệm này chẳng thật như ảnh hiện trong gương, ảnh này không phải là một phần của gương dù ngay lúc ảnh hiện, càng không phải gương. Nên ảnh này không chân.
Niệm này cũng chẳng hư, vì như gương hiện ảnh mà chẳng có tâm ý lấy bỏ, tác động. Lại nữa chính nhờ 6 thức này là chiếc cầu là chỗ diệu dụng của tâm (tâm chẳng đồng vô tri kia). Nếu chính niệm không hiện thì gọi là lọt vào hầm KHÔNG giải thoát đáng sợ. Người ta hình dung mắt mù, tai điệc, mất xúc giác, vị giác… mọi giao tiếp với thế giới cắt tuyệt thì đó trọn không là đạo bồ đề. Đây là chỗ mà thánh nhân chẳng thể im lặng “trừ tâm chớ trừ cảnh”. Cảnh vốn không lỗi chi do tâm sinh.
Niệm này tạm gọi giống như một thông tin, giống như một vật trong hư không (vật ví như niệm, hư không ví với tánh với với tâm). Chẳng vì vật mà hư không tăng giảm, nhơ sạch, thiện ác, ta người …
Niệm niệm tự nó hiện – dứt (khi vật đến ảnh hiện, khi vật đi ảnh tự dứt chứ không thể nói là ảnh sinh ảnh diệt).
Bản thân của 6 thức vốn là chiếu (tạm gọi là hoạt động) ngay cả khi ngủ (nhưng không thể nói thêm các trường hợp khi mê man, vì nó thuộc lĩnh vực của các nhà khoa học chuyên môn).
Niệm này miễn cưỡng gọi là chơn. Vì không có mặt của thức thứ bảy là ý tác động (Ý đang nghỉ giải lao vì thức thức bảy ý có tánh chủ động, động hoặc tịnh nhưng tính chiếu soi của nó trọn không mất. Chỗ này chỉ có tự chứng mới thấu).
Riêng thức thứ bảy là ý có thể nói thêm nó duyên với 6 thức trước và duyên cả với thức thứ tám là thức lưu chú (khi kẻ mê gọi là thức lưu chú, nơi người ngộ gọi là như lai tàng). Nên ngay khi ngủ say mắt, tai từ thế giới vũ trụ chẳng động Ý vẫn thường xuyên với thức thứ lưu chú vọng lập và người ta vẫn có những giấc mơ.
Chính bảy thức đều có thể qua chiếu (chỗ dụng) của nó như nhãn giác, nhĩ giác… qua tánh giác này ta biết được nó.Nên mọi thứ đều có thể nói như vẽ rắn thêm chân hay nhai hết gừng uống hết giấm thì được. Chỉ cần thấu bốn câu, đủ ba lời thì chẳng chướng ngại.
Riêng thức thứ tám không thể nói đến, chẳng có gì để nói ngoài gọi tên là Như Lai tàng tâm.Mở miệng nói về nó thì đừng mong được mang lông đội sừng mà vô lượng kiếp vào ba đường ác (nói trước để đừng ai hỏi lung tung, trả lời điên đảo).
* Vọng niệm: Niệm được khoác thêm tấm áo. Đó là động, tịnh, đẹp xấu, trên dưới, thiện ác, thuận nghịch và dấy lên những thứ sẽ kết tập vào Như Lai tàng (ví như bụi bám vào gương, gương vẫn gương bụi vẫn bụi nhưng chính những kết tập này trở thành nghiệp thức) là thiện ác, đúng sai, thuận nghịch, trước sau, yêu ghét… dấy lên làn sóng tranh đấu.
Thế là chỉ trong vườn bồ đề, chỉ là ảo ảnh mà xác lập có – không, ngã – phi ngã… và tất cả pháp hiện tiền.
Nguyên lai vô sự,  khởi lên sắc – không, có không, ngã – phi ngã. Thế mới biết chỉ vì thêm (tác ý) mà nơi chơn thành vọng. Vọng đó rõ vốn nguyên chơn vì ý kia tánh nó duyên theo cảnh, nhưng không thể trụ nơi cảnh. Vì cảnh không thật có, niệm hiện niệm dứt. tánh của ý là vô trụ, vì nếu ý có tánh trụ một sắc, một hương, một nơi chốn thì còn gì là tạo tác. Nên tuy mặc áo cho niệm, áo đó liền dứt, niệm cũng liền dứt tuy chẳng đồng sanh nhưng rõ cùng diệt (tự dứt chứ không có nghĩa là chết).
Sẵn nói về tánh vô trụ của ý, tánh hiện rồi tự dứt của niệm đây chính là câu “vô trụ làm bổn” của lúc tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn kinh.
Này các thiện tri thức, pháp môn này của tôi, từ xưa đến nay, (đốn tiệm gì) cũng đều lấy vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm bổn. Vô tướng có nghĩa là ở trong tướng mà vẫn ly tướng. Vô niệm có nghĩa là ở trong niệm mà không niệm. Vô trụ tức là bổn tánh của con người
Vì niệm tự hiện tự dứt nên đâu có tự thể (tánh), đã không tự thể thức thứ bảy là ý lại trên cảnh (ảo ảnh) tác ý thì cũng chịu sinh diệt nên gọi là vọng. Vọng vốn không thật có, chớ có trừ, chớ có đoạn, chớ có diệt theo nghĩa văn mà lầm lần lời chư Phật Tổ dạy!
Y kinh lập nghĩa tam thế Phật oan chính là nghĩa này. Học hiểu sanh kiến giải chính là y kinh lập nghĩa vậy.
* Vô niệm: Vọng vốn nguyên chơn, chơn niệm vọng niệm đối đãi thêm bớt chỉ do chấp trước. Cả hai đều lầm. Người giữ u nhàn, sanh tâm thủ xả, lấy tịnh trừ động (chết cứng), mê chơn chê vọng, lập thiện bỏ ác… thảy là kẻ ngu. Nếu là hàng sơ cơ chẳng tự tín bổn tâm một tánh thiên chơn (gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa) thì mười năm hốt phẩn (tu tập giữ giới, lập hạnh, tu hành các thiện pháp) thì được, vì trước sau cũng sẽ nhận ra con thừa kế cha, cháu thừa đương tổ nghiệp. Vốn là thái tử dù lưu lạc thì khi về nhà cũng được cha mở đại tiệc ăn mừng (kinh thánh), và truyền ngôi báu (quả vị Phật).
Hãy nên nhớ, dù ngu mà là kẻ về nhà (thứ lớp tu chứng) qua nhiều kiếp tiệm tu hay chỉ trong sát na một niệm biết quay về theo đốn giáo thì cũng chỉ là người thủa xưa. Cởi bỏ áo ăn xin mặc áo lụa trưởng giả vẫn là con cái nối nghiệp nhà (tánh).
Vô niệm là cái gì? Quá mệt với ba mớ lý luận, quá mệt khi dựng lập nghĩa vọng niệm, quá vô bổ với việc dựng lập nghĩa niệm – chơn niệm. làm gì có chơn có vọng ở đây? Chỉ một tánh chiếu soi từ chư phật đến chúng sanh, từ tahsnh đến phàm phu trọn không khác. Chỉ vì dị mới lập đồng, chỉ vì mê mới lập ngộ, chỉ vì tam độc mới phải chuyển thành tam minh, chỉ vì sáu thức mặc áo lục tặc mới cởi áo tô vẽ lục minh. Thảy thảy là vì chúng sanh mà lập vạn pháp. Trọn đâu có nghĩa thật! tất cả chẳng qua con người tự kỷ liền thành hai thứ, chỉ vì nghiệp thức chẳng đồng mà lập ba thừa.
Chính cái chẳng tốn chút hơi sức nghĩ ngợi, chẳng có việc vọng hay chơn, nguyên lai vô sự chính là nghĩa vô niệm (hoàn toàn không phải nghĩa không có niệm nha, không có niệm chính là đã có niệm rồi vậy). Nghĩa là không tự kỷ thành sự, không sự thì khỏi tự kỷ thành lý. Chẳng khởi tưởng thêm trên niệm, chẳng biết cái gì là niệm – vô niệm,khỏe re!
Sẵn đây xin chú phá nghĩa “sự lý chẳng ngại vẫn còn trong tâm lượng” phải đến “sự sự lý lý chẳng ngại mới là thiền”.
- Sự lý chẳng ngại vẫn còn trong tâm lượng: tức là thấy có sự có lý, chẳng đoạn trừ mà chẳng chướng ngại, còn tâm bất động chẳng vin theo, gọi là cõi phật bất động (Bất động địa) chỉ5 hàng Bồ tát bát địa.
- Sự sự lý lý chẳng ngại mới là thiền: Cái này thì mỗi người tự liễu nghĩa chỉ xin trích công án của thiền sư Khắc Cần Phật Quả (nối pháp Thiền sư Diễn ở Ngũ Tổ):
Bấy giờ cư sĩ Trương Vô Tận đang ngụ ở Kinh Nam, dùng đạo học tự ở, ít tiếp xúc với người. Sư dừng thuyền đến ra mắt ông. Luận về chỉ yếu kinh Hoa Nghiêm, Sư nói: - Cảnh giới hiện lượng kinh Hoa Nghiêm lý sự toàn chân, ban đầu không nhờ pháp. Sở dĩ tức một là muôn, rõ muôn là một. Một lại một muôn lại muôn thênh thang không cùng, tâm Phật chúng sanh ba không sai biệt, co duỗi tự tại viên dung không ngại. Đây tuy lý tột trọn là không gió sóng ầm ầm. Khi ấy Vô Tận bất chợt nhóm giường.
Sư hỏi: - Đến đây cùng ý Tổ sư Tây sang là đồng là khác?
Vô Tận đáp: - Đồng.
Sư bảo: - Chẳng được, không dính dáng.
Vô Tận đổi sắc. Sư bảo: - Chẳng thấy Vân Môn nói: “núi sông đất liền không một mảy tơ lỗi lầm vẫn là chuyển cú, thật được chẳng thấy một sắc mới là bán đề, lại phải biết có hướng thượng mới là thời tiết toàn đề”, Đức Sơn, Lâm Tế há chẳng phải toàn đề ư? 
Vô Tận bèn gật đầu. Hôm sau lại nói về sự pháp giới lý pháp giới, đến lý sự vô ngại pháp giới, Sư lại hỏi: - Đây đáng gọi là thiền chưa?
 Vô Tận đáp: - Chính là nói thiền.
Sư cười bảo: - Chẳng phải, chính là còn trong lượng pháp giới, bởi lượng pháp giới chưa diệt, nếu đến sự sự vô ngại pháp giới thì lượng pháp giới diệt, mới là nói thiền. Thế nào là Phật? - Cục cứt khô. Thế nào là Phật? - Ba cân gai. Thế nên Chơn Tịnh có bài kệ nói: “Sự sự vô ngại, như ý tự tại, tay cầm đầu heo, miệng tụng tịnh giới, đẩy ra phòng dâm, tiền rượu chưa trả, chữ thập đầu đường, cởi mở túi vải.”
* Một niệm trở về đồng như bản đắc:
Niệm trước làm nhân, niệm sau làm quả. Trước sau thành lập. Đẹp xấu liền sanh yêu ghét lấy bỏ … nơi biển đại tịch diệt (vô sự) dấy lên tất cả trần lao.
Niệm trước tuy dứt mà niệm sau liền hiện, chính khoảng giữa là đứt quãng gây trệ nại cho niệm. Niệm trước niệm sau đều trệ nại. Ngay trên một niệm đứng sửng, niệm sau chẳng sanh, chính trong khoảng thời gian gọi là sát na (tức khắc, liền khi ấy ngay khi ấy) gọi là niệm quay về (trong trôi mất). Đó là nghĩa một niệm trở về.
Khi ấy chẳng thể nói niệm mất, niệm và tánh không khác nhưng hoàn toàn chẳng phải một, gọi là dung thông. Cái này phải tự chứng mới được, chính khi ấy tự tánh tự hiện. Mọi ý niệm biến mất, mọi ngôn ngữ suy lường tự dứt.
Cùng tử trở về, áo rách bương
Chờ con trưởng giả vẫn còn thương
Mười năm hốt phẩn còn chưa nhận
Thấu thoát, nghiệp nhà mới đảm đương.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét