Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Chuyện con cà con kê (8)



Hồi tám:
Bên bờ vô vọng còn thương
Người ghi cổ sử bên sườn phù sinh

Bà mẹ nó! Bác Bảy mà tôi biết không chỉ là người lính già trên chiến trường mà cả trên tình trường. Cái ông già đó vô tình hay hữu ý, khéo léo hay vụng về thường nhắc cô Duyên khi có mặt tôi (hay cả khi không có mặt tôi vì ông cũng đã yêu mến cái cô gái đã được xem là dễ thương nhất xóm nhà nát này!). Tôi đã đủ với phụ nữ đã nhiều ê ẩm đến lẫm lúa còn phải kêu. Tôi không chối tôi thích gặp người đàn bà hàng xóm giờ đã là vợ anh Tâm trừ, nếu nói theo nghĩa đúng thì cô ấy có cái đẹp dung dị đâu chỉ riêng tôi thích. Nói chuyện cũng vậy, dù cô luôn bình dị trong cư xử nhưng cô vẫn cho thấy sự khác biệt mọi người như viên cứt dê hơi tròn tròn khác cục cứt bò chèm nhẹp to tổ bố, được cái chính là lối cư xử với người đã khiến người trong xóm không cảm thấy cách biệt mà còn quý cô ta mới ác liệt chứ! Tiếp chuyện với cô ta luôn làm tôi vui, cô ấy tỏa ra thứ ánh sáng chân thật, vui tươi. Một người phụ nữ đáng yêu.
Bây giờ tôi mới biết nhà anh Tâm trừ tuy nhỏ nhưng lại còn hơn chục mét vuông sân sau (tiền đâu xây nhà hết đất, trong khi thiên hạ hiện giờ có tiền xây nhà mà không tiền mua đất ở saigon này). Anh tổ chức sinh nhật cho đứa con gái của mình và cả cho vợ (chỉ là ngẫu nhiên, với thiên hạ khùng điên vẫn là triền miên việc lạ!).
Tôi được mời đến dự, bà mẹ nó! Cả đám đều rách đói mà vẫn bấm bụng làm sinh nhật cho con (mấy năm trước không biết anh Tâm trừ có làm sinh nhật con hay không, tôi hổng biết vì anh chẳng mời mà tôi thì chẳng có việc nhủi vô trong gần cuối hẻm. Hay nó là sinh nhật đôi nên anh làm, hay … gì cũng được), dù sao cũng thấy thiệt đáng nể. Nhưng tự mình vẫn nhắc lòng, uống 1 chung ăn vài miếng qua loa rồi chuồn nhanh. Giữa đám bát nháo như bầy cáo, nói nhăng bọ xít nghe mệt lắm. Ấy thế mà tôi vẫn không kiểm soát được bản thân mình, đã ở lại quá lâu hơn chính bản thân mình.
Chú Bảy vẫn được ngồi chỗ ngon lành nhất, rồi gia đình chủ nhà còn tôi theo thông lệ chọn chỗ gần cửa nhất để đi ra cho nhanh. Nhà anh Khánh Đông kế bên và dĩ nhiên được trưng dụng (cả tình nguyện) cho việc đãi khách.
Sẵn nói luôn khách đến dự đều hầu như không mua quà (chỉ có như bác Bảy gái được ưu tiên mua đồ gia dụng thật sự cần và bộ quần áo may sẵn bán ngoài chợ cho nàng công chúa bé nhỏ). Còn lại ai cũng đi phong bì tùy hỉ, nhưng tôi biết ở đâu thì người ta đãi bôi chứ cái xóm nhà nát chết dịch này ai cũng cố gắng để bù vào khoảng chi phí cho gia chủ. Có người còn tha thêm mồi và rượu nữa chứ! Rất chân tình (nhưng đừng có ai ngu mà đâm đầu vào đây cho thêm nát nhé!)
Vẫn rượu, mồi, lời chúc tụng vui vẻ và rồi thì là chuyện trên trời dưới đất kèm lối nói vi von chẳng ra đầu cua tai nheo (sao lại cứ đầu cua tai nheo nhỉ?) gì cả!
Cái đã đến phải đến, tôi quyết định chuồn, chứ cứ đưa cái mặt dài buồn chán ra e làm mất vui bàn tiệc. Bác Bảy tằng hắng rồi lên tiếng sau khi mọi nguwòi im lặng chú ý:
- Hôm nay vui, có thể nói xóm nhà nát có được cô dâu vừa đẹp vừa dễ thương và … mà thôi. Ở đây, có chú Chí đa tài lắm (bỏ tía rồi! bác bảy muốn tôi nổi đình đám và hòa đồng với mọi người đây. Với tôi họ đừng nhớ, đừng biết về tôi thì tốt hơn. Xưa khổng tử nói “dại chết, khôn chết, biết sống” trật lất cái chậu quất sau tết rồi. Chỉ có không ai biết tới mình mới sống, chứ biết cũng chết. Như Hàn Phi tử biết rõ Tần Thủy Hoàng bạo ngược, biết bọn gian thần ganh ghét hiền nhân, biết sách lược an định thiên hạ… biết và biết hơn trăm lần Khổng tử vậy mà chết weo). Chú Chí sẽ kể chuyện hay cho mọi người nghe!
- Con dốt lắm bác Bảy ơi! Nên bạn con mới gọi là … là (mém nữa không đánh mà khai cái biệt danh ban bè đã yêu quý tin cậy đặt cho)
- Thôi mày đừng có dấu. Anh em ai cho đề tài thằng Chí đây sẽ sáng tác và kể nghe ngay một câu chuyện với đề đưa ra.
Sao ông già này biết cái vụ này vậy ta! Thời đi học, ngoài việc làm thơ (thơ lúc đó tuy kém về kỹ thuật nhưng bảo đảm cả đám vừa ngây ngô vừa sống động lạ thường) và thi kể chuyện. Tôi luôn là thằng hề ngu ngốc cho đám bạn cười nhạo. Tôi được bạn bè yêu mến vì cứ đực cái mặt đần độn ra và vừa kể vừa si nghĩ (không phải suy nghĩ, ngu quá thì là si nghĩ). Thế là sau đó, dành bao nhiêu năm đọc sách, cố sáng tác những câu chuyện trong đầu, dần dần tôi cũng bắt kịp nhịp mọi người. Nhưng chuyện đó đã lâu dù thỉnh thoảng tôi vẫn sáng tác trong đầu như một thú vui tao nhã và khán giả duy nhất là tôi.
- Câu chuyện dòng sông đi! Bên facebook của ai đó có cái tên rất lạ … để nhớ coi, là Từ là ông Từ gì đó!
- Đó là CHUYỆN MỘT DÒNG SÔNG của ông Từ Cuồng. (https://www.facebook.com/tu.cuong.549/posts/394531627423036)
- Chí! Giúp vui với anh em đi! Bảo đảm thằng Chí mày cũng được đáp lễ ngon lành.
- Chỉ e khẩu vị của anh em không hợp. Còn chuyện một dòng sông của tác giả Cuồng Từ thì đó là truyện ngắn văn học thật sự.
- Kể đi, đã ngu si, đừng nhâm nhi con cù kỳ. . .
_ _ _ _ _
Chuyện một dòng sông
Có một ông quan, ông là đỉnh cao của trí tuệ. Mỗi năm ông đều đi lễ chùa Vô Ấn ở sườn núi, để đến đó ông qua một con sông Mê muội, người ta hoặc bơi, hoặc kết bè vượt sông.
- Hãy làm con thuyền, chứ ta không muốn bập bà bập bình trên bè, rơi xuống sông lúc nào không hay.
- Nhưng bẩm quan! Chúng con không biết làm thuyền và còn phải theo hầu quan
- Bảo dân nó làm!
- Cái thôn gần đây chỉ có mấy hộ dân! Họ nghèo kiếm ăn còn chưa xong thời gian đâu mà làm!
Thế rồi quan diễn thuyết và với quyền lực cửa quan. Dân ghè đầu hì hục làm con thuyền con. Dòng sông trong vắt đến tận đáy, đột nhiên lòng sông bùn đen lắng xuống
Sau đó, quan lại bỏ ngựa, bỏ kiệu lại, qua sông đến lễ chùa
- Hãy làm con thuyền lớn để nhân dân đi lại dễ dàng.
- Bẩm quan! Chúng con không biết làm và còn phải theo hầu quan. Còn dân thì cái thuyền con làm còn chẳng ra hồn. Làm thuyền lớn thì chìm là cái chắc ạ!
- Bảo dân nó góp tiền! Đặt thợ nó đóng.
Thế rồi quan diễn thuyết hô hào và với quyền lực cửa quan. Dân xa gần dọc con sông vét tiền góp lại đóng con thuyền lớn. Dòng sông không còn trong nhìn đến đáy được nữa. Dòng sông bắt đầu chảy mạnh.
Sau đó, các quan viên hộ tống gia đình quan đến lẽ chùa. Gió to mưa lớn nửa chừng, ồ ạt đổ xuống, mấy con ngựa hí vang cố giật thoát sợi dây, mọi người hoảng sợ trên chiếc thuyền.
- Phải đóng tàu to vượt biển, chứ như vầy nguy lắm không bảo đảm tính mạng của nhân dân.
- Bẩm quan! Chúng con không biết làm và còn phải theo hầu quan. Đóng tàu tốn kém lắm ạ! Đào đâu ra tiền.
- Bảo dân góp tiền bắc cầu, cần làm cầu cho nhân dân đi lại dễ dàng, an toàn hơn.
Thế rồi quan diễn thuyết, hô hào, kêu gọi chiến thắng mọi gian nan khó khăn . . . và với quyền lực cửa quan. Dân dọc suốt con sông và các vùng phụ cận cùng vét tiền góp vào việc làm cây cầu gỗ. Nước sông đã sẩm màu, nước chảy mau.
Sau đó, các quan viên hộ tống gia đình quan đến lễ chùa. Gió to mưa lớn như trêu người ào ào đổ xuống, nước chảy xiết. Tất cả mới lưng chừng chưa đến nửa cầu thì cầu long chân và nghiên đổ. Mọi người ngã xuống sống gần bờ, đánh vật mãi mới lên bờ an toàn.
- Phải xây cầu đá, cầu bê tông cốt thép.
- Bẩm quan! Chúng con không biết làm và còn phải theo hầu quan. Tiền đâu xây?
- Theo ta đã lâu mà các ngươi ngu như chó! Gạo ở đâu mà ăn? từ dân cày, áo đâu mà mặc? cũng từ dân dệt dân may, nhà đâu mà ở? Cũng ở dân nung gạch mà xây, các người xem lại có cái gì kể cả cái thân và cuộc sống của các người là từ đâu? đều từ dân. Thế nên phải yêu dân. Thế nên dân là gốc. Xây cầu tiền lấy từ dân.
Thế rồi quan diễn thuyết, hô hào, kêu gào một xã hội văn minh tiến bộ, những di sản để lại con cháu . . . và với quyền lực cửa quan. Dân dọc suốt con sông và rất nhiều các vùng phụ cận cùng thêm nhiều loại thuế, tăng mức thuế, cưỡng chế nhà đất, phá hết rừng bán gỗ ... góp tiền làm cầu đá. Nước sông đục ngầu, nước chảy xiết.
Câu chuyện dòng sông với quan đã hết, sau này trước sân chùa xây thêm phi trường mini, quan đi trực thăng đến lễ chùa.
Vậy còn dòng sông thì sao? Quan không biết nhưng dân biết mỗi năm đều tràn về nước lũ. Và sẽ có một vị quan khác ở trên đỉnh của đỉnh cao trí tuệ kể tiếp về dòng sông bằng cả đời cống hiến chống lũ và dân thì không biết còn gì để mất.

- Hay!
Chú hai Chức có vừa lên tiếng ngay khi tôi im lặng. Tôi đoán chắc 100% là chú ta nghe lỏm bỏm chẳng hiểu gì vì không hề chú tâm. Để biết chắc tôi hỏi ngay một câu
- Theo chú hai, anh Nhám Nhỉ đánh cá bằng lưới bằng mây đan có được nhiều hơn chàng trai câu cá không?
- Hả! ờ ờ cái chi tiết đó tui hổng chú ý, nhưng lưới cá nhiều hơn câu, nhưng lưới đan bằng mây thì … thua.
Nhiều tiếng cười vang lên, với họ đây là lối đùa mà không nhận ra tôi có chút ác ý, nơi họ không hề biết thù hằn, họ là những người thượng cổ. Bác Bảy đưa mắt trách tôi.
- Chủ nhà đáp lễ khách đi!
- Con dốt đặc cán mai, chưa từng sáng tác gì ráo. Nội cái vụ kể chuyện ru con ngủ cũng làm con mệt phờ râu, kiếm quyển cố tích anh em nhà Grimm, vậy mà tới lúc kể lại không quên đầu cũng quên đuôi.
Anh Tâm trừ cười hiền hậu. Tôi chợt thấy yêu quý anh. Đâu cần tài năng chỉ cần làm việc theo khả năng đóng góp vào tài sản xã hội, mưu sinh bằng sức mình. Với mọi người thì thật thà tốt bụng. Với tôi, những người như anh thật yêu mến, đáng kính trọng bao nhiêu thì bọn quan tham càng đáng khinh bỉ bấy nhêu.
- Để em kể nhe anh! Cũng chuyện một dòng sông em không nhớ đọc ở đâu, hay ai kể. Nhưng mà cũng hay, bất chợt em nhớ lại.
- Hay quá! Vợ tui cứu tui nè! Em kể đi, anh cảm ơn em lắm lắm.
Lời khen vợ vụng về nhưng hơn trăm lời nịnh vợ. Cả hai thật may mắn có nhau.
_ _ _ _ _
Chuyện một dòng sông
Có con sông Vô vọng nhỏ vắt ngang ngăn cách một làng mươi nóc nhà với ngọn núi Phù Sinh cao ngất chắn khu rừng Cổ sử.
Ngoài làm nương rẩy trồng rau nuôi gà vịt, người dân còn vào rừng lấy thêm củi đun, lấy gỗ dựng nhà, lấy lá lợp mái. Còn lấy nước tưới cây, thả câu ven sông. Còn lấy lá thuốc mên bên sườn núi. Trời đất ban cho muôn loài vạn vật không gì thừa không gì thiếu.
Có một chàng trai cũng quen với lệ người trước chàng lội qua con sông nhỏ nước trong leo lẻo nhìn thấy tận đáy, vòng qua chân núi đến rừng, hay bám theo gờ đá lên núi. Chàng cũng như mọi người chẳng ai nói yêu núi, yêu sông mà sông núi đất trời chính là cuộc sống chính mình. Nhưng chàng chỉ nhận ra mình yêu con người của mươi nóc nhà không cùng huyết thống.
Nhưng vật đổi sao dời, dù núi ngậm mấy chẳng động nhưng núi thật cũng mòn, sông dù đục tánh vẫn ướt mà bờ ngày càng thêm rộng.
Một ngày nọ, một trẻ qua sông suýt bị nước cuốn, chàng ngày đêm suy nghĩ và cuối cùng chàng đóng 2 cây cọc hai bên bờ, lội ngang qua và dùng dây rừng bện lại thật to thật chắc vắt ngang dòng sông Vô Vọng.
Từ đó, không cần bè người bơi qua sông có thể yên tâm bám vào sợi dây qua bên kia bờ an toàn. Đáy sông bắt đầu lăng bùn che mất lớp đá sỏi và nước chảy mau hơn.
Cây cọc gỗ rồi mục nhanh chóng qua nắng mưa và hai bờ long lở, sợi dây đứt khi suýt một người trôi theo dòng nước cuốn.
Chàng trai lại đêm ngày canh cánh và rồi chàng quyết định bắc cây cầu gỗ qua sông nhưng người làng can ngăn, hãy cứ dùng bè hay thuyền con qua sông. Lặn một mình xuống tận đáy sông chôn sâu những cây cừ tràm già đã được ngâm bùn mấy tháng quả là khó khăn. Nhưng chàng không nản chí, như con kiến tha mồi chẳng bận tâm bao giờ đầy tổ. Rồi cũng như mọi việc trên đời cây cầu khi gần hoàn thành dân làng vui mừng vô tả,  không một ai không đến cùng chàng hoàn thành. Lót ván rồi trải đất lên trên để trâu bò cũng qua lại. Dòng sông nước bắt đầu chảy xiết, người ta không còn nhìn thấy được đáy sông vì nước sông ngầu đục.
Trăng xưa cũng như trăng nay và trăng mai, vẫn khi tròn khi khuyết treo lưng lững tầng không và sáng rỡ, nhưng mưa nắng lại thay đổi thất thường không hẹn trước. Một năm có cơn lũ kéo về xô ngã mọi thứ, cuốn trôi mọi thứ, lênh láng bập bềnh cỏ lá. Dù chân cầu vẫn được thay mới đều đặn hàng năm một số chân để con cầu không mục ngã nhưng đã bị cuốn theo dòng nước xiết.
Lũ đã qua, khắp nơi hoàng tàn, bừa bãi. Mọi người lại dựng nhà lợp mái, lại cần thuốc chữa bệnh phong hàn, người ta phải lội phải chống chiếc bè qua dòng sông Vô Vọng.
Chàng trai ngày nào giờ đã là một người gấp nghé tuổi già. Ông lại canh cánh bên lòng và lại quyết dựng lại con cầu. Dân làng can ngăn ông, con cầu xây lại đổ, gỗ rồi mục, đá cũng mòn đâu gì trường tồn. Nhưng cái bè, con thuyền con dễ làm và vẫn giúp người qua con sông.
Sau khi nâng cao nền đất cho mọi nhà, lấy gỗ già về dựng lại những ngôi nhà kiên cố chịu được bão giông cho người làng. Ông lại cân nhắc cho từng chi tiết xây lại cây cầu. Ông lại căm cụi như con kiến tha mồi mà chẳng hề nghĩ đến bao giờ đầy tổ. Dòng sông giờ đây đục ngầu chảy xiết,. hai bờ long lở càng thêm rộng. Thỉnh thoảng ông ngạc nhiên sao nó dài rộng đến vậy. Một phần chân cầu vừa nhú ra sông thì ông đã bị cuốn theo dòng nước.
Dân làng tìm mãi không tìm được xác ông, người ta bèn lập một mộ bia bên sông cho ông. Dòng nước dần dần trong trở lại, nước lại hiền hòa chảy êm êm nhưng đáy sông lắng bùn không sao hết được để người ta thấy những viên sỏi trắng được nghe trong chuyện kể.
Rồi một đêm mưa rất lớn, nước chảy rất mạnh. Sáng hôm sau người ta vẫn thấy con sông Vô Vọng trong xanh dòng chảy hiền hòa nhưng phiến đá ghi tên ông không còn nữa!
. . . . .
Tôi ra về, tôi đã thật sự thán phục người phụ nữ đó. Đó là sáng tác ngẫu hứng nhưng đối đáp mà vẫn hơn hẵn vì nó đi vào lòng người nhờ vào tấm lòng biết lo cho làng xóm của chàng trai dù chỉ là vô vọng.
Tôi không ngủ được, tôi vẫn không hối tiếc vì mình đã từ chối việc mai mối của chị Năm. Anh tâm trừ xứng đáng được người vợ hiền dù anh còn được hơn cả người vợ hiền. ngoài tình yêu chồng, biết cư xử và chăm sóc mọi người trong gia đình đó là cái phúc lớn nhất của người đàn ông, cái khác có quan trọng không? Tôi không biết! tôi không thể phủ nhận những cái tài riêng có dù nó nhỏ nhoi nhưng vẫn hình thành nên con người đó. Còn cô Duyên vợ anh Tâm trừ thì sao? Tôi không phải phụ nữ nên vĩnh viễn không biết họ cần gì ở chồng. Nhưng tôi tin anh Tâm trừ đã dành tình yêu cho vợ, ít nhất là trong những ngày tháng này. Còn tương lai, vẫn là trò đánh đố! Mà dù có cơ hội cho cả ba người như bác Bảy nói thì cô ấy vẫn chọn anh Tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét