Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

chú phá kinh Duy Ma Cật (8)



Bấy giờ, Trưởng giả Bửu Tích thuyết kệ xong, bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Năm trăm trưởng giả này đều đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
, nguyện nghe sự trong sạch của cõi Phật, mong Thế Tôn giảng về hạnh Tịnh Độ của Bồ Tát.
Phật bảo:
- Lành thay! Bửu Tích! Khéo vì chư Bồ Tát hỏi Như Lai về hạnh Tịnh Độ. Lắng nghe! Lắng nghe! Khéo ghi nhớ lấy, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.
Lúc ấy, Bửu Tích và năm trăm vị Trưởng giả vâng lời Phật dạy mà lắng nghe.
Phật bảo Bửu Tích:
- Tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ Tát. Tại sao? Bồ Tát tùy sự giáo hóa chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy sự điều phục chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh nên theo quốc độ nào vào trí huệ của Phật mà nhận lấy cõi Phật, tùy chúng sanh nên theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ Tát mà nhận lấy cõi Phật. Tại sao? Bồ Tát nhận lấy cõi Phật trong sạch đều vì muốn lợi ích chúng sanh. Ví như có người muốn xây dựng nhà cửa nơi khoảng đất trống thì tùy ý vô ngại, nếu xây dựng giữa hư không trọn chẳng thể được. Bồ Tát cũng thế, vì thành tựu chúng sanh nên nguyện nhận lấy cõi Phật, chẳng phải nhận lấy cõi Phật nơi hư không vậy.
Trên vị trưởng giả Bửu Tích trình kệ qua bài tụng tán thán Phật, cũng là yếu chỉ thiền tông, chẳng trừ cảnh chỉ thôi tâm vọng. Chẳng diệt thức ý mà dứt móng khởi. Trọn nơi tu tâm nên gọi là phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng. Cần xác định rõ đây là tôn chỉ của Phật thừa vì các vị trưởng lão ra khỏi ràng buộc của Thanh văn thừa và Duyên giác thừa. Tránh lỗi lầm của của Độc giác Phật vì xiển dương phật dụng.
- Tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ Tát: Chẳng vọng tưởng cõi phật cơ xứ sở nào khác, lìa chúng sanh thì chẳng có cõi phật. Cõi phật tức tánh của tâm, tức dụng của tâm. Chúng sanh đó như huyễn, duyên đến liền có. Cõi phật cho đến thánh quả cũng lại như vậy, thảy thảy như huyễn chỉ có phật tâm chân thật. Tâm bình thế giới an, tâm tịch thế giới không rỗng suốt.

- Bồ Tát tùy sự giáo hóa chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật: Đây tổng hết nói về tam hiền (thập hạnh, thập trụ, thập hồi hướng), tứ thánh (Tu-đà-hoàn – nhập lưu, Tư Đà Hàm – nhất lai,  A Na hàm – bất lai, A la hán), thập thành, thập địa, tất cả pháp môn phương tiện giáo hóa chúng sanh lấy đó làm cõi phật. Không có cõi phật nào khác cõi phật này. Chớ kiến giải bồ tát thì chết sanh vào cõi nước Phật nơi đó có một hay nhiều ông Phật khác và cũng không có một bầy Bồ Tát sanh vào cõi nước đó.

Nêu rõ nghĩa Phật dụng của chư Phật Tổ.

- tùy sự điều phục chúng sanh mà nhận lấy cõi Phật: Cõi Phật như huyễn, nơi tâm chúng sanh được điều phục mà an ổn thì an ổn là cõi phật, nơi tâm chúng sanh vui mừng thì vui mừng hoan hỷ là cõi phật. lại chẳng có cõi phật như một thế giới nào khác.

Như lục Tổ Huệ Năng từng đem nước Tây phương cực lạc đến chùa Đại Phạm (xin đọc Pháp Bảo Đàn kinh, Đôn Hoàng bản do Thích Mãn Giác dịch).

- tùy chúng sanh nên theo quốc độ nào phát khởi căn tánh Bồ Tát mà nhận lấy cõi Phật: Tùy theo lòng ưa thích của chúng sanh khéo dựng lập phương tiện tiếp dẫn, lấy thiện nguyện, khéo nơi chủng tử dẫn dắt phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác làm cõi phật. Tùy nghi cơ cảnh mà dựng lập tất cả pháp.

- Bồ Tát nhận lấy cõi Phật trong sạch đều vì muốn lợi ích chúng sanh: Một tâm địa chính là thập địa, do mê chấp, do lấy bỏ, do phân biệt mà thấy tướng có khác biệt vậy! Thảy thảy trong sạch.

- Ví như có người muốn xây dựng nhà cửa nơi khoảng đất trống thì tùy ý vô ngại, nếu xây dựng giữa hư không trọn chẳng thể được. Bồ Tát cũng thế, vì thành tựu chúng sanh nên nguyện nhận lấy cõi Phật, chẳng phải nhận lấy cõi Phật nơi hư không vậy: Ngoài tâm này lại chẳng có tâm khác, khi làm chúng sanh tâm kia chẳng nhơ chẳng giảm; khi làm Phật tâm chẳng sạch chẳng thêm. Ngoài Phật tâm này lại chẳng có phật khác, “chư phật đồng một bí mật” chính là nghĩa này. Tam cõi duy tâm, đừng trừ diệt cảnh, đừng trừ diệt thức, trọn không có có trừ, có đoạn, có diệt gì cả. Trừ là trừ tâm vọng, vọng vốn không thật có nhơn nơi cảnh – thức mà duyên liền thành sanh diệt. Vọng đã không thật có há cần phải trừ. Đoạn là đoạn tâm duyên, tâm không thể đoạn, duyên sanh duyên diệt sát na há cần phải đoạn, đoạn duyên trọn không thể được. Diệt lấy gì diệt gì, nếu là thật có thì hằng thường trọn không thể diệt, nếu là không thật thì diệt làm gì. Nếu có trừ, đoạn, điệt tức là chấp ngã phi ngã rồi vậy.
Chính nơi bổn tâm này, từ chúng sanh tu hành đến rốt ráo mà an lập cõi Phật. Nếu thật triệt ngộ thì cõi phật mới biết như thật. Bặt dứt ngôn thuyết, không ý trụ, không xứ sở, không năng không sở vậy!

1 nhận xét:

  1. - Thế nào là như huyễn?
    - Như người đàn ông ban ngày cày ruộng, tối lại tham gia diễn tuồng. Khi phơi nắng dầm mưa ngày ruộng ông là nông dân, khi diễn tuồng ông là kịch sĩ. Thôi cày ruộng, diễn tuồng ông về nhà, thức thì với con ông là cha, với vợ ông là chồng, tiếp xúc phụ nữ ông là đàn ông. Tối ngủ khò khò ông là chính ông. Vậy khi là nông dân, kịch sĩ… đó là như huyễn. Khi sống ông là người, khi chết cái ông đó gọi là thây ma, cả hai cũng huyễn. Ông là ai?
    - Thế nào là bình đẳng?
    - Nhìn thì rõ thấy, nếu sanh tâm dấy niệm lập danh trắng vàng xanh đỏ, lập tướng vuông tròn, đẹp xấu, dơ sạch . . . đó là bất bình đẳng.
    Còn nhìn thấy là đủ, chẳng thêm những vọng tưởng, chẳng sanh tâm phân biệt thì tất cả bình đẳng. Tâm không duyên, danh không lập, sự không thấy, lý không sanh. Chính khi nhìn mà chẳng khởi tưởng, chẳng phân biệt thì không sanh tâm lấy bỏ, yêu ghét, chẳng sanh kiến giải thì nơi cảnh bình đẳng, pháp bình đẳng, còn gọi là huệ.
    Chính trong huệ có định, vì tâm chẳng vọng. Huệ và định bình đẳng. Nơi đây xác định rõ phật dụng (thấy biết) mà tâm thể (Phật tâm) trọn không dấu vết.

    Trả lờiXóa