Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Mắt Saigon: Niệm lục tự Di Đà (1)



Trong đầu kinh thường luôn có nghi thức niệm (kèm lễ bái) Nam mô A Di Đà Phật.
Trong phép tu thiền, cũng có phương pháp niệm lục tự Di Đà này. Tùy đương cơ mà lập 2 nghĩa có khác (chỉ là miễn cưỡng phân biệt pháp và tâm).
Niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật phải thấu 48 lời nguyện.

Nguyện thứ 1: Lúc tôi thành Phật, nếu trong cõi nước tôi, có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Khi niệm lục tự là lời nguyện trong đời sống từ bỏ tham lam, ganh ghét, đố kỵ, xúc xiểm, hại người hại vật. Đó là nhân sanh vào ba đường dữ.
* Khi niệm lục tự, nguyện trừ nơi tâm vọng, Ba đường ác thảy do tham sân si tu học đối trị (đối trị của tham sân si là trí huệ và thiền định). Rốt ráo nơi bổn tâm trong sạch và giữ gìn thiện pháp.
Nguyện thứ 2: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, sau khi thọ chung, còn trở lại sa vào ba ác đạo, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Khi niệm lục tự đã là lời nguyện hoặc với con cháu, với học trẻ, với người xung quanh hoặc bằng lời nói, hoặc cách cư xử, hoặc làm gương xa lìa nhân sanh vào ba đường ác.
* Khi niệm lúc tự phát nguyện xem chính nơi bổn tâm (nghiệp thức) là nhơn sanh tử.
Tu học: Vốn cùng từ lòng đại từ đại bi của chư Phật, mà do chiêu quả từ nghiệp thức sanh ra yêu con nhiều hơn yêu trẻ khác, yêu người thân hơn người lạ, cho đến mọi thứ thị phi yêu ghét, lấy bỏ (thủ xả).
Nguyện thứ 3: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, thân chẳng màu vàng tất cả, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự là phát nguyện trong mọi cư chỉ, hành động đi đứng đều đầy đủ sự thong thả, trang nghiêm, lễ độ, thân thiện…
* Niệm lục tự là bản nguyện dâng đầy đủ bảy ném hương cúng dường bảy vì cổ phật. Nhãn, nhĩ, tỷ… ý trong sạch, hồi hướng về uy nghi của Phật (dù không thanh tịnh).
Nguyện thứ 4: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, thân hình có kẻ tốt người xấu chẳng đồng nhau, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự là đã phát nguyện từ bỏ sự phân biệt kẻ hèn người sang, ngừoi giàu người nghèo. Đối xử đều tôn trọng, biết lắng nghe…
* Niệm lục tự là phát nguyện đã thấu do ý thức phân biệt sinh ra yêu ghét, trọng khinh với thế nhân, lại lầm lỗi cả với chính mình. Lưỡi do phân biệt ngon dở sanh tâm thích ghét, thích ngon mà sát sanh hại vật, chê dở mà làm điều bất nhân để trốn cái nghèo khó… Quán xét nơi bổn tâm mình mà trừ lỗi.
Nguyện thứ 5: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi chẳng có Túc mạng thông, ít nhất là biết rõ những việc trăm nghìn ức na do tha kiếp (vô số kiếp) thời tôi không ở ngôi Chách giác.
* Kính tin nơi lời Thế tôn dạy, vì tự tạo nghiệp mà luân hồi sinh tử, phát nguyện từ nay hồi hướng về phật đạo thoát khỏi sanh tử.
* Thấu hiểu chơn chánh nghĩa Túc mạng thông chẳng phải là thấy nhớ biết vô số kiếp trước. Thấu nghĩa vạn pháp do thức tâm sanh, sinh tử nối tiếp thảy là mộng không thật có. Nếu có thì mãi luân hồi, có giải thoát tức là không có sinh tử thật. Sinh tử đã không thật thì nghĩa giải thoát cũng được giải thoát.
Phát nguyện tu hành kiến tánh, xa lìa ngôn thuyết, dứt sạch đường tâm. Chính là nghĩa Phật tự hiện tiền.
Nguyện thứ 6: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, chẳng đặng Thiên nhãn thông, ít nhất là thấy rõ trăm nghìn ức na do tha thế giới của chư Phật, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 7: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, chẳng được Thiên nhĩ thông, ít nhất là nghe và thọ trì tất cả lời thuyết pháp của trăm nghìn ức na do tha đức Phật, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 8: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi chẳng được Tha tâm thông, ít nhất là biết rõ những tâm niệm của tất cả chúng sanh, trong trăm nghìn ức na do tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 9: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, chẳng đặng thần túc thông, khoảng một niệm, ít nhất là đi qua khỏi trăm nghìn ức na do tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự là phát nguyện hiểu sinh tử hữu hạn, tất cả vô thường không ra ngoài sinh trụ hoại diệt. Phát nguyện tu hành xa lìa ác nghiệp, nguyện vào thiện pháp thứ lớp tu chứng, khai mở thiên nhãn…bước vào Bồ tát đạo, thấu cả tâm nguyện chúng sanh các cõi là nhân luân hồi sinh tử, cho đến nương được oai thần của Phật dạo khắp cõi nước Phật.
* Niệm lục tự là đã phát nguyện xem xét nguồn tâm, từ nơi cảnh như huyễn, pháp giới tự tánh thanh tịnh, pháp thế gian đến pháp xuất thế gian thảy xa lìa, chẳng tham cầu pháp, chẳng tham cầu Phật, chẳng cầu hiểu biết, chẳng cầu ngũ nhãn (nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, phật nhãn),… chỉ học xa lìa, chỉ học dứt hết mọi đường tâm
Nguyện thứ 10: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, còn có quan niệm tham chấp lấy thân, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự là biết thân tứ đại giả tạm, tu ở tâm chẳng tu ở thân, Thân tâm trọn hướng về thiện pháp.
* Niệm lục tự biết thân, tâm thảy là huyễn. Tâm chẳng là vật gì, tâm không mất tâm, tâm không được tâm. Làm phật chẳng được tâm kia, làm chúng sanh chẳng mất tâm kia. Thấu tánh giác chính là chỗ dụng của tâm, qua tánh giác, sống với tánh giác tự tín bổn tâm chẳng đồng vô tri kia. Chẳng theo thân tứ đại, chẳng theo vọng tâm mà chấp có chấp không. (đây chính là nghĩa “nguyên lai vô sự”).
Nguyện thứ 11: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, chẳng trụ định tu, nhẫn đến trọn diệt độ, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự là biết tôn kính tam bảo, tôn kính chư thánh từ A Na Hàm đến A La Hán, tin vào chánh pháp của Phật tu hành thiền định, gìn giữ giới hạnh. Tin thật tu hành chân chánh sẽ vãng sanh vào Phật quốc A Di Đà, là đắc quả vị Phật.
* Niệm lục tự biết rõ do vọng tưởng mà sanh tà kiến có không (bốn câu). Chẳng phế bỏ sự tu hành (tu hành kà lìa co không), lìa chấp pháp thật có, biết pháp là phương tiện một thời còn chính vẫn là nơi tâm kia.
Tâm sanh thì vạn pháp sanh, vạn pháp có không trở lai trói buộc thành sinh tử luân hồi. Vạn pháp không thật có, cũng không tác giả, rõ chỉ là chính mình tự trói.
Rốt ráo xem xét trừ tâm mình, trọn không cầu chứng quả vị thánh, chẳng cầu diệt độ, chẳng cầu chánh đẳng chánh giác. Chỉ một tâm trong sạch (chính tâm trong sạch, chính tâm không này mới thật là chơn Phật).
Nguyện thứ 12: Lúc tôi thành Phật, nếu quang minh còn hữu hạn, ít nhất cũng chiếu thấu trăm nghìn na do tha thế giới, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự là lòng kính tin chánh pháp của Như lai luôn có, chỉ do mình thiếu lòng tin. Kính tin sức hộ niệm của chư Phật luôn đầy đủ (ba thời Chánh, Tượng, Mạt pháp).
* Do vọng tâm mà che mất phật tánh, dù chưa triệt ngộ cũng chẳng sanh tâm vội vàng, chẳng sanh tâm chê bỏ thế gian, chẳng sanh tà kiến Phật là thanh tịnh, chúng sanh là nhơ uế, chánh tín mình là con Phật (kinh Pháp Hoa: gã cùng tử, ba cổ xe trâu, dê…, con bị bệnh cha giả đưa tin cha đã mất) chắc chắn thừa đương tổ nghiệp. Ba thời chánh pháp; tượng pháp; mạt pháp chẳng khác chỉ do tâm phân biệt.
Nguyện thứ 13: Lúc tôi thành Phật, nếu thọ mạng còn hữu hạn, ít nhất cũng đến trăm nghìn na do tha kiếp, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Tin chắc quyết nơi nước Phật Di Đà, thọ mạng dài lâu và được lòng từ, lòng khoan nhẫn và sự dạy dỗ của Phật là vô cùng. Bất cứ ai dù là phúc nghiêp nhỏ nhất vào cõi nước Phật A Di Đà vẫn thọ mạng hữu hạn cũng là lâu xa vô cùng tận và sẽ viên mãn thọ mạng vô hạn do nguyện lực của Phật.
*  Chánh tín thế giới ba ngàn, cõi nước nào cũng chỉ là bóng dáng của cảnh. Từ địa ngục đến cõi nước Phật đều tùy duyên thọ sanh, hết duyên thì lìa chẳng do Phật khác mà thay đổi.
Lìa tham cầu được vãng sanh vào cõi nước hữu hạn hay vô hạn, vì vô hạn cũng chỉ là đối trị của hữu hạn, nơi cõi Phật chân thật là Phật tâm không có việc hữu hạn hay vô hạn. Đó mới là cõi nước Phật A Di Đà. Nguyện xét tự tâm tam độc tham sân si do thức, ý mống khởi. Phát nguyện tẩy trừ, trước thì như người chăn trâu, tỉnh lực nếu trâu phạm lúa người (mống khởi) thì nắm mũi kéo lại (chính là khi niệm). Sau như người vô sự coi con trâu, dù ăn lúa mạ người cũng chỉ xem, khi xem trâu liền thôi ăn lúa gọi là vô niệm.
Nguyện thứ 14: Lúc tôi thành Phật, chúng Thanh Văn trong cõi nước tôi, nếu có ai tính đếm biết được số bao nhiêu, dầu đó là vô lượng Bích Chi Phật đồng tính đếm trong trăm nghìn kiếp, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự Di Đà là hồi hướng vào Thanh Văn thừa. Thanh Văn là chỉ hàng tăng chúng tiệm tu, họ một lòng kính Phật nhưng chưa tự tín tâm mình, y theo giáo điển tu hành. Trong kinh Phật đã thọ ký tất cả đều đắc quả chánh đẳng chánh giác, không thể nghi ngờ.
Đây là giềng mối lưu truyền giữ gìn phật đạo. Lòng biết chắc quyết tất cả chúng sanh hồi hướng Phật đạo.
* Niệm lục tự Di Đà phải thấu lý: Bích Chi Phật là là quả vị Phật của Thanh Văn thừa nhưng chưa rốt ráo. Nhờ công phu tu hành nhiều kiếp, giới hạnh, thiền định … hỗ trợ chánh pháp. Nói chung là có tu có chứng (quả vị Phật thì chẳng không, mà Phật thì bất khả đắc) cùng Phật thừa – nhất thừa – Bồ Đề Tâm – Phât tâm thì chẳng phải.
Đã thấu nghĩa kinh văn, pháp chỉ là phương tiện. Chỉ cái sai cái mê lầm của chúng sanh, là phương tiện.
Mượn phương tiện nhất thời thì được mà lòng trọn không mảy may hệ niệm tham cầu. Đã không hệ niệm tham cầu không cầu biết số thanh văn trong cõi nước Phật.
Nguyện thứ 15: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, thọ mạng còn hữu hạn, trừ người có bổn nguyện riêng, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự Di Đà là đã tin chắc khi vãng sanh cõi nước Phật thoát khỏi sinh bệnh lão tử. Tiếp tục tu hành rồi phát bổn nguyện độ tất cả chúng sanh đều vào Phật đạo.
* Niệm lục tự Di Đà là lìa xa thọ mạng hư dối, tùy theo nơi tâm mình phát bổn nguyện dù sanh ở bất kỳ cõi nước nào vẫn tu hành theo nhất thừa, phát bồ đề tâm.
Phát bồ đề tâm là nguyện không chứng, không đắc gì cả, không cầu hiểu cầu biết, chỉ quay về làm sạch bổn tâm, tức là trừ sạch vọng tưởng nơi chính mình. Ngoài ra không thêm gì cả (miễn cưỡng gọi là bớt, tức là xả).
Nguyện thứ 16: Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi, còn có người nghe danh từ bất thiện thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
* Niệm lục tự Di Đà là phát nguyện mọi thời không phạm lời ác. Thà không nói, chứ nói không tổn thương bất kỳ ai. Luôn lễ độ, luôn cầu phúc cho mọi người mọi loài, lời nói ôn tồn, nếu được luôn tán thán Phật đạo.
* Niệm lục tự Di Đà là biết rõ danh tướng thảy do vọng tưởng nương nơi cảnh mà sanh. Nếu chẳng vào cảnh hay bị cảnh trói thì danh tướng trọn không thật có.
Mang thân thì không khỏi dùng danh (lưu bố tưởng) nhưng không bị tướng trói buộc (điên đảo tưởng). Lời thiện lời ác thảy là lời tà, phỉ báng hay tán thán thảy là nghiêp khẩu. Chẳng phải không nói, vì đương cơ thì nói lời tốt đẹp, Nếu trên danh tướng lập sự, trên sự lập lý thì đó là nghiệp thức, đó là khẩu nghiệp, đó cũng là nghiệp bất thiện.
_ _ _ _ _
(Mừng ngày Chúa giáng sinh. Chú phá 48 lời nguyện của Phật A Di Đà với thành tâm cầu nguyện mọi điều tốt đẹp đến với cô Miêu người bạn tôi quý mến, đến với cô Trinh với lòng biết ơn và sự kính trọng, cùng tất cả những người mẹ trên cõi đời. Mẹ là hiện thân lòng yêu thương vô bờ bến của Thượng đế, Trời Phật, Đức Chúa Trời … luôn che chỡ và chờ đợi con cái sống trong tình yêu thương của Người).
.

1 nhận xét:

  1. Ta có một chỗ hay
    Treo đâu trên đầu núi
    Trời soi hoài không sáng
    Gió bão cũng chẳng lay
    Có con cua đáy biển
    Giương càng rõ việc này

    Trả lờiXóa