Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Vô ấn (1)



1) Thức và ý
Từ lâu xa, tôn giáo đã hiện hữu như một cuộc sống tâm linh. Đạo Phật cũng là tôn giáo như mọi tôn giáo khác với những nghi thức và lòng sùng tín. Thế nhưng đạo Phật có một điểm riêng khác.

Điểm chung là các tu sĩ đều có như nhau về giới hạnh và các nghi thức.
* Thái độ ôn tồn nhã nhặn
* Tuân thủ các quy ước đạo đức xã hội, nhân lễ nghĩa trí tín, hiếu với cha mẹ ông bà, thuận thảo cùng anh em, yêu thương giúp đỡ đồng đạo, vị tha bác ái làm hữu ích trước nhất cho giới hữu tình …
* Quên bỏ thân mình, lìa xa danh lợi, phụng sự đấng thánh, phụng sự vì ích lợi con người …
Nhưng đạo Phật có một điểm riêng khác, mỗi chúng sanh của các loài hàm linh đều có Phật tánh, đều đầy đủ một Phật tâm, đều sở hữu một trí bát nhã, khi là chúng sanh tâm kia chẳng mất, chẳng tổn giảm, khi làm Phật tâm kia chẳng được, chẳng thể thêm. Từ chúng sanh đến tam hiền tứ thánh cũng chẳng lìa niết bàn chẳng mất bồ đề, hay cả khi đắc quả vị Phật cũng chẳng vào niết bàn chẳng được bồ đề. Ngàn kinh muôn luận chẳng lìa một Tâm.
Nên Phật tâm là bậc nhất, nếu chẳng tự xác tín nơi tâm mình xưa nay và sau vốn là Phật thì gọi là tà tín, cho dù thực hành tất cả các nghi thức tôn giáo, dù muôn vạn kiếp ăn chay, cúng dường, lễ tụng, thâm nghiên kinh điển, bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, ngồi thiền giữ tâm lặng lẽ yên tịnh trọn là hành tà đạo cùng Phật đạo chưa từng dính dáng.
Thế nhưng cũng chính do sự riêng khác đó, khi các tôn giáo hướng về đấng tối linh thì đạo phật lại hướng về tâm.
Nhưng tâm vô tướng. Không sanh không diệt, không phải có, chẳng phải không. Không thể được, không thể mất. Không thể thêm, không thể bớt… lại chỉ biết một tạng bí mật là Như lai tàng không trọn không dấu tích.
Thế nên, suốt 49 năm Thế tôn quải môi lưỡi trên 300 hội tùy theo lòng mong cầu, tùy cơ mà thuyết pháp, phương tiện lập 3 thừa hư dối, tuyên giảng vạn pháp như huyễn, chỉ làm một việc “chỉ cái sai kia mà chẳng nói cái phải này!”
Người người trước sau như kẻ mù lần mò trong đêm, cưỡi trâu tìm trâu, kẻ mù trước dắt kẻ mù sau vào vòng dây trói. Nhặt được viên đá bên ngoài lại ngỡ là ngọc mâu ni. Vốn tự an lành đâm nhào xuống sình nhơ lầy lội mà nắm buông gọi là tu hành. Thế nên chư Tổ ra đời cũng biết toàn thân bùn nước mà gánh vác huệ mạng của Như lai, mà mở một con đường tẻ.
Bệnh ở chỗ nào? Bệnh ở lòng tham cầu, mê muội một Phật bên ngoài hư dối. Bệnh ở đem trí lực nhỏ nhoi của khối óc đựng không quá một tô mà lường trí huệ Phật, đem kiến thức hữu hạn mà mà học mà hiểu chánh pháp nhãn tạng của Như lai chẳng khác đem một lon một lít để đựng hết nước biển. Bệnh ở lầm trên danh ngôn, bệnh ở ôm cái bè gỗ mục nát phương tiện lại cho là cứu cánh.
Cần phân biệt đâu là không thật, biết không thật thì buông (công án của Thế tôn : buông xuống đi). Cần biết toàn không thật có, cảnh không lỗi, 7 thức không lỗi, không thể nắm, không thể buông (Tổ sư một đường huyền vốn: chưa từng nắm) liền đó không trói không mở được đại tự tự tại. Quả thật không một pháp xứng tình! Thật không đắc một pháp! Thật không Phật khác có thể thành!
Chẳng phải ở đây xiển dương Phật Pháp, mà chỉ là nêu thí dụ, so sánh cho hàng cư sĩ tại gia tìm biết hạt cải chứa núi Tu Di mà thôi. Tuyệt đối không dùng cho đám thầy chùa kiếm ăn bằng nghề đi tu hiện nay (kể cả bọn hoặc lừa đảo làm giàu bằng việc thuyết giảng đạo đức thay cho việc thuyết Phật pháp nhận của cải cúng dường hay bọn lợi dụng chiếc áo cà sa cho mục đích chính trị) hay bọn học giả nghiên cứu Phật học hiểu nhiều biết nhiều mà không phân biệt được đâu là tiếng của cái bát nóng và vô vị chân nhân trên cục cứt khô.
Miễn bàn cãi tranh luận. Ai có thắc mắc thì xin nêu, chẳng ngại đổ sình lên người đang trong lầy, chẳng ngại móc khoét vết thương còn mưng mủ.
_ _ _ _ _
Thức và ý:
* Hiểu biết và ý tưởng từ khối óc sinh ra, bửa óc ra trọn không thể tìm thấy cái biết và ý tưởng. Hiểu biết và ý tưởng là chỗ dụng của khối óc, chúng là giả khối óc là thật. Thức và Ý cũng lại như vậy, chúng là dụng của tâm, chúng chẳng lìa tâm. Nhơn phi ngã (cảnh) mà sinh. Nếu lìa phi ngã (cảnh tiền trần) thì hiểu biết và ý tưởng chẳng thể sanh. Không bảo diệt!
Thức và Ý, chúng là dụng của tâm, chúng giả tâm là thật.
Đối cảnh nếu vọng tâm không sanh, không nương theo cảnh mà phân biệt: tốt xấu, xa gần, thiện ác, thích ghét … thì  cảnh không lỗi, 7 thức không lỗi. Tất cả rõ ràng, vạn pháp như huyễn chẳng sanh, Tâm Pháp chẳng một chẳng hai. Chớ diệt thức diệt ý, vì tâm còn thì thức còn, diệt thức diệt ý chẳng khác nào diệt ánh sáng khi mà ngọn đèn đang cháy. Chỉ có thể lấy tay che đôi mắt nhắm, rồi bảo là diệt được mặt trời mặt trăng.
* Như đứa trẻ mới sanh, mọi thứ kiến thức (sở) tạm gọi chưa có (có chưa bao nhiêu) qua năm tháng và điều kiện học hỏi, kiến thức hình thành. Kiến thức này:
- Có từ bên ngoài, tức có sinh thì có diệt.
- Nhân cũng từ phi ngã (cảnh tiền trần) nên thảy thuộc về mê.
- Có giới hạn.
* Ý cũng lại như vậy, căn nguyên từ thức – phi ngã mà nảy sinh. Một ý vừa khởi liền tự mất thay bằng ý khác. Ý tưởng thì sinh diệt mà ý thức (thức thứ 7) chẳng diệt.
Kết luận: Đem kiến văn giác tri (thấy nghe biết hiểu) giới hạn và sinh diệt theo theo phi ngã (ngoại cảnh – cảnh tiền trần) mà để học lấy tri kiến Phật chẳng khác đem ánh sáng đom đóm mà định soi sáng thế giới trọn không thể được.
Con người huân tập và vượt trội muôn loài chính nhờ khả năng hiểu biết, suy diễn và sáng tạo. Nên với Phật pháp chỉ biết dùng nó để soi sáng mà không biết rằng trọn không thể được. Mọi sở tri một đời lúc buông tay đều theo đó mà mất, mọi tâm ý đều che mất Như Lai tàng mà thành thức lưu chú, xác lập chủng tử.
Trí bát nhã – trí huệ Phật vốn có, chẳng phải do học mà hiểu. Thích Ca Mâu Ni trọn chưa từng học được gì từ phật Nhiên Đăng, thật không một pháp khả đắc.
Tôn chỉ của chư tổ, chư cổ đức đều đã ân cần vì người bày tỏ: Trí Bát nhã bị thức và ý dấy động lập thành năng sở như mây (chỉ thức ý) che mặt trời (trí bát nhã). Chỉ cần thôi nghĩ nghì, chẳng tốn một chút khí lực (vô tác – vô hành) chẳng bị sở thức trói buộc, chẳng bị ý xô chạy loạn liền được tự tại, liền được định, huệ liền hiện, liền đó trí bát nhã không dấu vết, không tướng hiện (đã không tướng thì không thể gọi là hiện, chỉ tạm mượn ngôn thuyết hiển bày), một trường rỗng rảng.
Nhưng từ lâu xa, nghiệp thức nặng nề, lại không thể tự thôi dứt nên mượn phương tiện tu tập tham thiền, mượn sự tu tập giới định tuệ mà trừ tham sân si… Mà chẳng tự biết thôi duyên phi ngã thì ngã chẳng lập danh, vô tướng vô vi nên gọi vô ngã (đã là khiêng cưỡng vì còn ai ở đó mà gọi là ngã – vô ngã).
Phải xác tín tâm mình xưa này là Phật, chẳng có Phật khác. Thích Ca Mâu Ni, Nhiên Đăng, Oai Âm chẳng phải phật. Nếu có lại thành ngã – phi ngã. Ngoài một phật tâm này thật chẳng có phật nào khác.
Chớ khởi tưởng Phật tâm là duy nhất, vì liền diệt mất chánh pháp chư Phật ba đời, chớ khởi tưởng chư Phật ba đời mà quên mất Phật tâm. Mọi khởi tưởng, lý luận chỉ là bóng dáng của thức ý thảy thuộc về mê. Thế nên tổ sư đã niêm “Tuyệt đường ngôn ngữ bặt nơi tâm hành”, chư cổ đức đã dạy “bảo chẳng có chớ khởi tưởng không, bảo chẳng không chớ khởi tưởng có” và vô số những … “sạch hết”…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét