Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Vô ấn (2)



Cảnh (phi ngã) không lỗi
* Chúng ta có các giác quan để nhận biết cảnh (thế giới). Qua các giác quan này, tín hiệu được truyền dẫn đưa về não.
Tùy theo cấu trúc não khác biệt của các loài, não sẽ tái dựng lại hình ảnh (mô phỏng) của thế giới.
Những gì chúng ta thấy thật sự là những hình ảnh của cảnh (phi ngã) chứ không hề là cảnh. Âm thanh, mùi vị … cũng lại như thế.
Những gì ta nhận biết là hình ảnh của cảnh nên nó có trung thực hay không? Và có đầy đủ hay không?
* Nếu lá lúa không thon dài mà tròn, lá mít đầy gai thì là lỗi hay không lỗi?
Tất cả hiện thành, chẳng thể chúng ta muốn thế này hay thế khác mà được. Cho dù có thế giới khác có loài người khác, người ta ăn cỏ để sống, nuôi cọp lấy thịt cho bò ăn thì khi ấy hạ sanh làm người chốn ấy ta ăn cái gì? Mới hay khác và chẳng khác cũng phải một mà rõ chẳng phải hai.
* Trên sự vật và vật, mỗi mỗi đều không thể biết có tự tánh hay không tự tánh.
Như hạt nếu là thật, có tự tánh thì không đổi. Nhưng rõ hạt nẩy mầm lớn thành cây! Hạt không tự là hạt, thấy đó mà chẳng có tự tánh, có mà không thật.
Như núi nếu là thật, có tự tánh thì không đổi. Đập nát thì vỡ thành đá mới biết núi có mà không thật, vốn từ duyên đá kết mà thành. Cho đến muôn vật đều không ra ngoài kết hợp của các nguyên tử (thuôc các nguyên tố) theo duyên (định luật vật lý + hóa) mà thành.
Trên từng nguyên tử lại chẳng thật mà do kết hợp của 3 loại hạt cơ bản mà nên, tùy theo số proton mà lại chia thành nguyên tố.
Nếu thế giới chẻ nhỏ ra chỉ có 3 hạt cơ bản, thì tại sao trên thân tứ đại (có mà không thật) lấy gì dựng lập vật và lại thành sự vật khiến thức và ý sanh khởi!
* Lại nữa, cảnh mà ta có chỉ là ảnh của thế giới do não tái dựng, trên cảnh (ảnh của thế giới) hư dối lại kiến lập kiến thức không đầy đủ, trên sự hạn hẹp mà dấy động ý phân biệt!
Kết luận: cảnh không thật (chỉ là ảnh của thế giới như ảnh trong gương mà chẳng phải vật), dùng thức hạn hẹp để đo lường, dùng ý sanh vọng phân biệt thì tất cả thường – vô thường, đúng sai, cao thấp, trắng đen, chánh tà, …lấy bỏ thảy chỉ là bóng dáng của thức trên phi ngã mà thôi.
Cảnh không lỗi, chỉ do vọng tâm sanh khởi, trên cảnh dựng lập vạn pháp như huyễn.
Người tu hành chỉ nên xem lại tâm chạy loạn, duyên theo cảnh tiền trần, tự mê lấy bổn tâm. Cảnh bất khả đắc, vì cảnh chẳng trói chẳng mở phật tâm thì dùng biết tự tánh của vật của sự vật làm gì?
Vậy tri kiến Phật có rõ tự tánh của cảnh không?
Đã là tri kiến Phật thì chẳng móng khởi để biết tự tánh của phi ngã? Biết thì dùng làm gì? và người hỏi biết làm gì? còn nếu lại dùng tà tín mà bảo dùng tri kiến Phật thì phải biết là đạo lý gì? Thế nên tri kiến phật, trí bát nhã thật không có việc biết hay không không biết thực tướng của phi ngã. Chỉ có thể nói “biết như thật” mà thôi!
Như ngọn đèn giữa hư không, không thể nói đèn sáng hay không sáng, có vật (cảnh) liền rõ đèn sáng. Vật (sự vật) không trở ngại ánh sáng, cũng như cảnh không trở ngại tâm người mà chỉ có tâm luống sanh phân biệt mà thành lấy bỏ.
Chớ trừ cảnh mà cần trừ tâm. Hầu hết xưa nay người ta lầm hội trên danh ngôn, nghe nói trừ tâm mà chẳng thể biết làm thế nào. Đem tâm trừ tâm, khởi vọng trừ vọng càng sâu gốc vọng. Trừ tâm đây là thôi tạo tác hành sự, tự đó tâm không loạn, tâm không loạn cần gì trừ.
Không có tâm vin theo trần cảnh thì chẳng bị trần cảnh lôi kéo. Không có tâm cầu thì tham không thể trói buộc. Tâm không khởi kiến giải thì không bị kiến giải của thức ý cuốn trôi. Tâm không sinh ái thủ thì không bị yêu ghét lấy bỏ nhận chìm. Đó mới chính là trừ tâm. Tâm đã yên thì cảnh tự yên, tâm đã dứt thì thức ý chính là chỗ dụng trí bát nhã.
Nếu chẳng chánh tín nơi mình vốn sở hữu trí bát nhã thì thức ý chỉ vọng động luống sanh.
Chẳng vốn sở hữu trí bát nhã thì trí bát nhã ở đâu ra. Nếu trí bát nhã mà học được, hiểu được tức có sanh sao khỏi diệt. Nếu trí bát nhã hay quả vị mà từ một Phật bên ngoài ban cho thì rõ ràng mà ma thuyết.
“Tư sanh sản nghiệp cùng thật tướng chẳng trái nhau” chính là nghĩa này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét