Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Trần Nhân núi trắng Phương Uyên




Ngày xưa, có một chàng thư sinh mồ côi nghèo sống vào cuối thời vua Trần Dụ Tông. Trời phú chàng có trí nhớ tốt, thông minh lại chăm chỉ học hành. Tuy chẳng được danh sư chỉ dạy mà chàng tự mình tinh nghiên thi sử và thạo cả binh thư.

Nghe danh cụ Chu Văn An là bậc hiền nho, học vấn tinh thông liền đến xin học. Ngay hôm giáp mặt gặp lúc cuối năm các học trò khắp nước xa xôi thì đều đã lạy thầy xin về với gia đình lo lễ tết, học trò gần còn lại rất ít. Trần Nhân may mắn được thầy dành cho nhiều thời gian dạy dỗ quan tâm với người học trò mới.
- Con là người có học vấn tốt, sao không ra ứng thí!
- Thưa thầy! Cứ xem Cung Tỉnh đại vương nắm hết binh quyền, tự chuyên hành động, chẳng cân nặng nhẹ, chẳng tin dùng nhân sĩ. Triều đình toàn hoàng thân quốc thích, con cháu tập ấm bất tài làm điều trái luật. Dụ tông thì giết trẻ chế thuốc thông dâm cùng chị ruột (Thiên Ninh Trưởng công chúa) rõ là vận nước đã suy. Nếu vua sáng thì tôi hiền ra giúp sức, vua tối thì nên ở ẩn.
- Con sai rồi! Người đời học thi ra làm quan khó tránh khỏi họa nơi quan lộ, thời suy vi chỉ ngại con người không qua lòng tư lợi và không giữ tiết tháo trở nên sa đọa đớn hèn mà thành ra lầm lạc thành kẻ hại dân hại nước. Nếu vận nước suy vi mà hiền sĩ không ra chống giữ sơn hà thì khó tránh quốc loạn, dân còn khổ hơn nữa. Nhà Minh bên Tàu vẫn lăm le xâm lược Việt nam. Họa mất nước lại càng khốn khổ.
- Nhưng thưa thầy! Có tâm huyết giúp nước khó tránh họa gian thần dèm pha vu hại. Dù người có tài cũng chẳng được dùng. Lợi không có mà họa có thừa. Với công danh lòng con chẳng tưởng.
- Đó chính là suy nghĩ của bọn người tư lợi chỉ nghĩ cho bản thân. Tự chọn con đường thanh cao cho riêng mình, tâm ý hẹp hòi. Nếu là người có tâm, có tài cố lấy sức mình vào bùn chịu bẩn mà chẳng chìm đắm. Khéo giữ lấy thân, tùy theo sức mà chống đở vận nước lo cho dân. Nhưng chí con thế nào do con quyết định. Còn vào thời thịnh trị, nhân tài khắp nước không thiếu được trọng dụng, thì dù giữa nhân gian hoặc ẩn danh hoặc lập thân làm gương nơi thân thì gọi là trong sáng ngoài sáng. Càn khôn sáng tỏ vậy!
- Thưa thầy! Vậy sao khi xưa thầy dâng sớ chém gian thần, vua chẳng nghe thầy liền bỏ ấn từ quan.
- Đạo thật khó nói, Ta khi ấy làm quan nên từ quan là nêu chánh lý nào phải hờn giận, chủ đích cũng không hề là cảnh tỉnh nhà vua. Mục đích là cảnh tỉnh triều đình thấy sai đó mà chớ a dua. Ta chọn cách cương cường tỏ rõ. Còn chớ nghĩ vì gian thần lộng quyền nhũng hại muôn dân thì cứ là ở ẩn. Chẳng thấy học trò các con vẫn ra ứng thí làm quan đó sao? Ta vẫn ân cần nhắc nhở bọn Phạm Sư MạnhLê Quát đó sao!
- Con nghe cho rõ, nơi hoang mạc vẫn có muôn vật sống, nơi sông nước ngọt hẹp hòi đến biển mặn rộng lớn cũng có muôn loài. Đạo thật phi thường, bề ngoài tuy 4 mùa mà con nên nhớ ngày hạ chợt mây giăng gió lùa chốn chốn đều mát, ngày đông rét mà trời quang mây tạnh nắng mặt trời vẫn ấm. Người quân tử phải khéo léo ứng cơ tùy vật. Chỉ biết dù vào hiểm mà có lợi cho dân thì phải làm, thuận lòng dân thì mãi còn. Hại dân hại nước thì dù nhất thời binh hùng tướng mạnh không tránh khỏi cái họa diệt vong. Kẻ trí trá dù lừa được trăm vạn dân cũng chẳng lừa được bậc trí giả, kẻ mị dân dù lừa được hết người thiên hạ thì cũng che dấu được được mấy mươi năm. Làm ác trong bóng tối, trước sau cũng bị phơi bày. Từ kẻ sĩ đến bậc chí tôn đều chỉ biết vì lợi dân đó là tôn chỉ.
Trần Nhân dù lắng nghe lời dạy của thầy, vẫn biết thiên đạo hiện ẩn khó lường, tùy cơ ứng biến không nhất định. Chẳng ôm chết khổng học theo giáo điều mà thành ngu xuẩn. Nhưng chàng vốn không muốn vì ràng rịt khuôn phép trong áo quan, vào luồn ra cúi. Nhưng vì trọn lòng kính yêu thầy, chàng ở đó cày thuê và ở với thầy, hiếm khi làm bài và chẳng lộ tài ứng đối văn chương hay đạo lý. Các bạn đồng song có hỏi chàng về sự học hành hay thi cử chàng chỉ cười rồi nói vu vơ về giáo lý nhà phật. Nên họ tuy quý chàng hiền lành mà không hỏi han thêm về chí lập của chàng. Cụ Chu xưa nay vẫn biết mỗi người mỗi chí, chẳng miễn cưỡng trái tâm ý của ai nên chỉ dạy dỗ học trò mà không nhắc đến việc thi cử nữa.
Đến sau năm Trần Dụ Tông mất (1369) thì thầy mất! Chàng vẫn ở nhà thầy và để tang ba năm rồi lễ lạy thầy ra đi. Đi mà chàng chẳng biết đi đâu, vào thời Trần Nhật Lễ (tên thật là Dương Nhật Lễ con trai Dương Khang) chính sự càng bại hoại. Nơi triều đình các quan chia bè lập đảng tranh giành quyền lực, mua quan bán chức. Khắp miền chúng ra tay cướp đất của dân với nguyên tắc “đất thuộc sở hữu nhà vua”, dân oan kiện tụng không được ai giải quyết mà ngược lại chúng cho sai nha hành hung, bắt bớ giam cầm với tội mưu phản và bi bô xử đúng người đúng tội.
Giặc Minh ngày càng sách nhiễu, vua quan thì hèn, chỉ biết cúi đầu thần phục. Thế mà khắp nơi từ đầu chợ đến ngã ba đường nhan nhãn những bia khắc công ơn Thái tổ lập quốc thắng đại đế Nguyên Mông ba lần.
Ai cũng thấy cũng biết tên quyền thần Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly còn gọi là Hồ Nhất Nguyên vốn là con cháu  Hồ Hưng Dật, vốn là người Triết Giang bên Tàu, thời Hậu Hán 947-950, được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn tức vùng Diễn ChâuNghệ An) gian manh sẽ soán đoạt ngôi thiên tử. Chỉ có vua Dụ tông rồi Nghệ tông tin dùng. Nhớ tới lời thầy dạy, chàng chờ ra ứng thí thì Trần Nhật Lễ giết Thái hoàng thái hậu thì chàng không còn chút tâm ý nào nữa. Xã hội suy đồi, trộm cướp khắp nơi, đồng bào đói khổ, đạo đức băng hoại. Với chàng bệnh nhập vào tim hết thuốc chữa. Khắp thiên hạ đều biết, cũng mong đế nghiệp nhà Trần phải bị diệt vong.
Chàng lên núi Chí linh bí hiểm, cây cao hoang dã, định ở đây đến cuối đời không bước vào cõi trần lao. Một ngày nọ chàng ngũ dưới cội cây phượng nhìn xuống dòng sông Đông Mai như một dãi nước nhỏ và thiu thiu ngủ.
Tỉnh dậy, chàng lạ lùng mình nằm trên thảm cỏ mềm mại ở một nơi rất xa lạ. Mũi chàng chợt tinh tế, chàng nhận ra hàng trăm hương của từng loài hoa một cùng lúc. Mắt chàng nhìn tỏ mọi vật hơn hẵn mọi khi. Chàng phát hiện ra bước chân mình đi thật nhje nhàng cơ hồ thân thể chàng chỉ còn phần mười trọng lượng….
Tự nghĩ mình đang mơ và đây là lần mơ thú vị nhất trong đời chàng. Đã là mơ đâu ai cần có nhà để ở, có quê để về và càng chẳng cần tài sản để cất giữ, chẳng có thời gian cần lưu giữ. Chàng con người vô sự, con người tự do thật sự ít nhất là lúc này. Chàng cúi xuống chạm tay vào cỏ, lạ thật! Cảm giác như thật.
Những bông hoa bé nhỏ khiêm tốn của cỏ xanh cho đến hôm nay và nhiều ngàn năm sau chúng vẫn là loài cỏ dại, sống hoang dã giữa đất trời. Chúng là ngọc còn trong đá, không tỳ vết cũng không bị mài dũa đục đẻo mang một hình dáng vốn không phải của chúng. Chàng nhìn quanh tìm hoa mười giờ, loại cây dại nhỏ đơn sơ chưa từng bị lai giống thành cây cảnh, chúng luôn gợi cho chàng hình ảnh hoa hồng kiêu sa, nhưng chàng dững dưng với hoa hồng lại luôn yêu quý hoa mười giờ. Chàng không chắc nhưng biết tâm hồn chàng cũng hoang dại và nhỏ nhoi như chúng.
Từ xa, chàng nhìn những dãy núi kéo dài như đến cuối chân trời phủ màu xanh biếc của cây cối, chàng thầm mong chúng chưa từng bị con người đục đẻo khai thác như ở cuộc đời. Nhìn dòng sông xanh, chàng lại mơ màng dòng nước trong nhìn thấy tận đáy sông và đàn cá bơi lội.
Chàng thơ thẩn đi, chàng thấy rõ những con ếch, con nhái và cả những con gà rừng vô tư lự quanh đó. Đã là mơ thì có thể với người đời sẽ chạy đuổi bắt để làm thịt. Với chàng, đây là mơ thì chàng lại vô sự an tâm và nhìn chúng để nghe chính mình được bình an mà khi thức chàng chẳng bao giờ có được. Luôn luôn là nổi ưu tư.
Chàng đi không chủ định, vì mơ thì làm gì có lạc đường, không nơi về và không chốn đến. Thế rồi theo tiếng âm thanh mà chàng nghe được, chàng nghe tiếng hát của con người. Chàng gặp 2 cô gái, chàng nhủ thầm (lạ lùng, sao đàn ông mơ lại thường gặp phụ nữ và là phụ nữ xinh đẹp. Phải chăng đó luôn là niềm khao khát thầm kín của người đàn ông).
- Chào cô! Làm ơn cho hỏi thăm đây là đâu!
Hai cô gái xinh đẹp đang nhìn chàng thích thú rồi họ ngạc nhiên. Chàng chợt nhận ra nếu là mơ thì làm gì có nơi chốn, đây không thể là câu hỏi được!
- Chàng muốn hỏi tên núi, tên rừng, tên thảo nguyên hay tên chúng em?
Chàng chợt thấy vui và hạnh phúc làm sao. Hai cô gái thạt đẹp lại thông minh tinh nghịch đang đứng trước mặt chàng, chàng nhìn kỹ rồi lại thắc mắc. Xưa nay mình cũng có mơ gặp người, ngay người quen biết thì hình ảnh dung mạo cũng mơ hồ, còn người lạ thì chỉ thấy mặt một thoáng qua và hầu như không bao giờ nhìn rõ được. Phải chăng đây là giấc mơ duy nhất trong đời mà không phải ai ai cũng có được. Chàng nhìn và tin họ sẽ biến mất như trong giấc mơ. Nhưng không, họ vẫn đang nhìn chàng với ánh mắt vừa thích thú vừa hiếu kỳ. Họ không sợ chàng giữa nơi hoang sơ trống trải. Lạ hơn nữa chàng lại suy nghĩ rất mạch lạc.
Thế rồi chàng chẳng còn nhớ đã mấy chục năm chàng sống trong giấc mơ lạ lùng này. Chàng chưa muốn thức dậy. Cái duy nhất thay đổi ở chàng là bộ quần áo duy nhất mà hai nàng Dã Thảo, Dã Quỳ dệt may cho chàng từ tơ tằm. Bộ quần áo cũng như mọi sinh linh sống ở đây chẳng bao giờ biết đến già chết. Một lần chàng hỏi:
- Nàng sinh ra ở đây hay ở đâu?
- Sinh là gì?
- Tức là thầy u (ba má) nàng là ai, người ở đâu, sinh ra nàng ở đây hay ở đâu và hai cụ đâu rồi?
Cả hai cô gái ngạc nhiên hoàn toàn. Thầy u, sinh ra, ở đâu không hề là khái niệm nơi họ. Họ ở đây! Đó là thực sự duy nhất.
Một lần chàng thử cố đào gốc rễ cây mít để xem cây mít có chết hay không. Nhưng ở đây chẳng có cuốc xẻng, chẳng có lửa nên chàng dùng hòn đá bén cạnh để đào. Cả buổi, hai nàng đến ngồi xem chàng làm gì kèm ánh mắt tò mò.
- Anh Nhân làm gì vậy?
- Tôi đào gốc cây này lên.
- Để làm gì?
- Để biết
- Biết gì và để làm gì?
Chàng chợt hiểu, chỉ vì lòng trần chàng chưa dứt, chàng muốn biết những gì quanh chàng hơn là chấp nhận mặc nhiên và hòa hợp vào chính cuộc sống này. Nhưng chàng vẫn cố. Chàng phát hiện, rễ nhanh chóng mọc dài to hơn len sâu vào lòng đất một cách kiên trì đến cố chấp, những nhành rễ bị chàng băm đứt rời khỏi thân liền tự mọc dài trở lại. Cố mấy chàng chỉ làm được một việc duy nhất tạo một cái hố rộng và sâu quanh gốc cây mít bướng bỉnh. Chàng chịu thua.
Nơi đây thật bình an, chẳng có bệnh tật, loài chim ăn trái cây một cách khéo léo không để rơi xuống đất dơ, không có khỉ (thủy tổ loài người hay loài người sau này phát triển thành khỉ) leo treo phá phách. Các loài ăn lá trái và đến con heo rừng đào ăn củ cũng rất khôn không hại đến dây trồng. Chàng cùng những người ít ỏi ở đó cũng chỉ ăn củ quả rau mà chẳng bao giờ thiếu… cũng chẳng ai biết gì về vua quan cai trị độc tài, thu thuế, cướp bóc cua dân. Cũng chẳng ai biết gì về chiến tranh hay họa xâm lược của Tàu. Cũng chẳng có sách vở triết học Khổng Mạnh, nhưng thơ cả và nhạc lại cứ như hoa nở vào mùa và chẳng ai nhớ lại bài vừa hát vừa ngâm. Nó là một chuỗi cuộc sống không có quá khứ!
Chàng nhớ lại chuyện Lưu Thần và Nguyễn Triệu lạc thiên thai. Chàng đinh ninh đây chính là thiên thai, nhưng cái tên ngọn núi đá hoa cương trắng Phương Uyên và cánh rừng thơ mộng nhất quanh ngọn núi là Việt Khang là có tên để gọi.
Cũng như Lưu Nguyễn, tâm trí cõi trần khiến chàng không sao ở mãi được. Sống bất tử nơi này làm chàng không sao chịu được. Chàng phải thoát ra. Nhiều năm chàng lặn lội đi đi mãi nhưng cũng vẫn là nó, để rồi mấy năm sau chàng lại tự tìm trở về ngọn núi trắng Phương Uyên.
Người đời ai cũng sợ chết, người đời ai cũng muốn bất tử giữa cõi trần đầy hung hiểm xấu xa. Thế mà chàng biết mình được bất tử giữa đất trời thiên nhiên tươi đẹp, bên cạnh hai người con gái mà trí thông minh và tâm hồn trong sáng lại hòa hợp làm một. hai nàng là ngọc trong đá, mãi mãi không tỳ vết.
Thế rồi, chàng thử cũng là quyết định. Chàng đâm đầu nhảy xuống từ vực đầu va vào đá. Đau không chịu nổi, nhức không sao nói được. Chàng nửa mê nửa tỉnh, những con chim kêu lên thảm thiết… chàng nằm im và lại đau nhức khôn cùng, Dã Thảo và Dã Quỳ ngồi bên cạnh nhìn chàng lạ lẫm. Họ không chút lo lắng nhưng ánh mắt tò mò.
- Chàng sắp rời khỏi chúng em! Chàng rất lạ! Chúng em không biết làm sao lơ đểnh để ngã xuống vực được. Một con heo rừng cũng không biết cách lơ đểnh được như vậy!
Một nổi sợ hãi chiếm lấy chàng, chàng chẳng biết tại sao vì chẳng đâu có sợ chết. Nhưng sợ hãi mơ hồ nhận chìm mọi ý thức. Chàng đưa tay nắm lấy hai bàn tay nhỏ nhắn mềm mại và cố nhìn họ. Họ nhìn chàng bằng ánh mắt trong vắt và họ chẳng biết chàng nghĩ gì cũng như chàng vĩnh viễn không biết gì về tâm ý của họ.
Chàng tỉnh lại, chàng vẫn nằm dưới gốc cây Phượng nhìn xuống dòng sông Đông Mai. Chàng đã trở lại thế gian, hẵn chàng đã trãi qua vạn năm nơi dương thế như Lưu Nguyễn khi xưa. Đứng lên, chàng nhận ra thân xác thật nặng nề nơi cõi thế. Chàng bắt đầu tìm kiếm chung quanh gốc cây Phượng nhưng chẳng phát hiện ra ổ mối, tổ kiến, tổ chim hay bất cứ thứ gì. cây phượng cũng bình thường như mọi cây phượng khác. Không gì cả, không manh mối, không dấu vết, càng không có động mai vàng nào quanh đó.
Chàng xuống núi và chàng chút phần ngạc nhiên, Hồ Quý Ly đã cướp ngôi, phế bỏ Thiếu Đế vị vua áp cuối cùng nhà Trần (vua Giản Định Đế là con thứ vua Nghệ tôn sau bị bắt đem về Kim Lăng thì nhà Trần chấm dứt) xuống làm Bảo Ninh đại vương. Vậy ra chàng đã ngủ mê mấy năm.  
Thế rồi, đứng trước họa tên Hồ tặc bất trung bất nghĩa, lòng dân lạnh ngắt với cả nhà Trần đồi bại, với cả tên gian thần cướp ngôi. Nhà Minh đem quân sang đánh chiếm. Quân chưa đánh đã tan, chẳng còn ai muốn thí thân cho bè lủ vua quan chưa muốn nói dân chỉ muốn giết hết bọn chúng với lòng căm thù oán hận.
Loạn lạc khắp nơi, bọn giặc Tàu tàn ác khôn cùng, dù chán ghét quan lại vua chúa nhà Trần nhưng lòng chàng thôi thúc, đến khi vua Giản Định bị bắt, chàng theo hầu Đặng Dung khởi binh chống giặc.
Đến khi bại trận, chàng cũng năm trong số binh lính cùng Đặng Dung, Trần Quí Khoách, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy và cùng tự vẫn.
Đêm cuối cùng của cuộc đời, chàng nhớ lại núi trắng Phương Uyên, rừng Việt Khang và hai người con gái Dã Thảo, Dã Quỳ. Chàng không biết hai người ấy có nhớ chàng không, nơi mà quá khứ không tồn tại. Chàng cũng chẳng biết mình nghĩ gì. Có thể dưới bề sâu con tim chàng nhớ hai người, nhưng lý trí của chàng lại mong kiếp lai sinh đừng bao giờ gặp lại. Chàng thì thầm với chính mình “Nếu thầy trở lại nhân gian, con xin được mãi là học trò của thầy”.

2 nhận xét:

  1. Một tấm lòng trong đã gởi trao
    Ngàn năm sắc thắm cánh hoa đào
    Tấm lòng, xin nhận người tri ngộ
    Biển vẫn mênh mông bọt sóng trào

    Phố núi bây chừ bước thấp cao
    Bàn tay ánh mắt của hôm nào
    Bao giờ tóc bạc vai sờn áo
    Người khuất, đêm còn lấp lánh sao

    Đáy vực hay dù tận đỉnh cao
    Ngọc trong, núi ngậm gió lao xao
    Hoa dù rụng cánh hương còn đó
    Cho đến mai sau vẫn ngọt ngào

    Đáy biển dịu dàng mặt biển xao
    Trăm năm người hởi có là bao
    Bên nhau hạnh phúc, tan rồi hợp
    Bèo nước còn vương có được nào!

    Trả lờiXóa
  2. Đêm nào ai thắp những vì sao
    Mộng mị giăng buồn dốc đỉnh cao
    Tượng đá chôn chân lòng viễn xứ
    Thuyền con neo bến khúc tương sầu
    Chiều tà chải tóc sương hoa muối
    Ngỏ vắng so vai vạt nắng nhàu
    Chốn cũ tôi về mua lá cỏ
    Đầu nghềnh chờ gọi, tuổi hư hao

    Trả lờiXóa