Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Vô ấn (3)


Thường – vô thường
Trong từ ngữ phật giáo và căn bản phật học thường khởi đầu bằng lý vô thường. Nghĩa vô thường vừa khởi thì thường (hữu thường) liền hiện.

Trên cảnh và thân tứ đại thấy biến dịch (thay đổi) không dừng. Như hạt lúa thành cây lúa rồi chết đi, gọi nó biến dịch hay vô thường. Nếu gọi vô thường sinh diệt, cây lúa chết để lại hạt lúa, rồi hạt lúa lại thành cây lúa để lại hạt lúa. Nếu xét một hạt lúa thì nó sinh diệt, xét hạt lúa con (vô thường), từ vô thường sinh ra cái vô thường.
Xưa đến nay vẫn còn cái vô thường (lúa) thì hóa ra lại thành nghĩa vô thường cũng hữu thường.
Cái vô thường từ cái vô thường sanh, cái có mà không thật sanh ra cái có mà không thật, có sanh có diệt mà không thật diệt (vì cái vô thường vẫn còn), cũng không thật sanh (vì có cây lúa không sanh hạt).
Từ vô thường như kiếp người thấy sinh bệnh lão tử. Nếu bảo vô thường thì thân vô thường còn ngã (ta) lại có vô thường không? Nếu ta là thân theo lẽ sinh diệt thì diệt mất còn gì là tâm là phật. Nếu lại có thường (tâm) núp trong cái vô thường (tâm) thì sao không thấy. Lại cho rằng tâm vô tướng hằng thường sao lại theo thân vào sinh tử luân thường?
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Thế tôn phá hết mọi nghĩa cái về tâm có thể nghĩ lường, tâm không ở trong, không ở ngoài, không là thân, không lìa thân, cũng không phải tư tưởng…
Đem cảnh (ảnh của thế giới) xem xét nghiệm biến dịch mà nói vô thường và thường liền thành hý luận (nói chơi). Cái hằng thường thì không đổi, không sinh diệt vì sao lại theo cái vô thường.
Cảnh (vật, sự vật) có bao giờ khởi tưởng thường – vô thường hay chỉ có thức ý khởi tưởng và áp đặt cho cảnh thành thường – vô thường. Vạn pháp duy thức là nghĩa này!
Không thể diệt mất phật tâm, lại cũng thấy tâm phật theo thân ra vào 3 cõi, 6 đường.
Thế tôn nhơn mượn cảnh biến đổi vô thường để diễn bày tâm bằng thí dụ:
- Như gương kia, vật đến vật đi, ảnh hiện rõ ràng, khi có khi không mà gương thì không đến không đi, không hiện không ẩn. Không có hình xấu đẹp, xanh đỏ trắng vàng.
- Như hư không kia, khéo dung chứa muôn vật mà không có tâm dung chứa, không hề nhiễm (giữ hay bỏ) bụi. Dẹp hết muôn vạt hư không vẫn không động không tịnh, không nhơ không sạch. Bụi không bám được hư không há cần làm sạch.
Vật đến không sanh ra gương, vật đi gương không diệt. Vật có hay không chẳng thể thêm bớt hư không, vật động tịnh chẳng làm hư không cấu nhiễm.
Người ta quên gương mà nhận ảnh, bỏ mất hư không mà nhận vật. Luống bỏ diệu tâm mà nhận cảnh thường vô thường. Thảy là bệnh lớn.
Qua đó, mới thấy nếu cứ vin theo cảnh, để thức ý tạo tác thì chỉ có ngôn thuyết và chẳng hề dính dáng đến Phật Pháp, chẳng có gì dính dáng đến Phật tâm. Thế tôn chỉ vì tiếp dẫn cho người tạm thoát ba đường dữ mà lập phương tiện ba thừa.
Vạn pháp duy thức, chỉ nhơn cảnh tiền trần mà lập. Tâm lìa cảnh, chẳng móng khởi (chẳng có tâm đúng sai, chẳng có tâm thiện ác, tham cầu, ái dục, thủ xả thì vạn pháp của tam thừa lại là cái gì?) thì cái gì là pháp? Ai lập? Ai thọ?.
Vạn pháp như huyễn, nhơn đục lập trong, nhơn ác lập thiện, rốt chỉ là phương tiện độ người. Nếu cứ nhất định có một pháp để tu để đắc, nếu có một giáo điển để học để hiểu để hành, nếu có một quả vị Phật khả dĩ đắc thì đồng với lông rùa sừng thỏ. Không ra ngoài trói buộc của ngôn thuyết, của nhị nguyên đối đãi (nhị nguyên đối đãi: đen trắng, phải quấy, đúng sai, trên dưới, chánh tà, thiện ác…..).
Nghĩa vô thường nếu lập, liền không kịp thấy nghĩa thường đã hiện. Thường – vô thường không một(chống trái nhau), nhưng cũng không hai (vì cùng hiện, cùng sanh trên cảnh). Mọi vọng tưởng đều không thoát khỏi lưới đối đãi.
Nếu ai nói được Thích Ca Mâu Ni hiện ở đâu? Chẳng những nhét núi Tu Di vào hạt cải mà còn rõ Phật chỉ là cục cứt của ông già Thích Ca (chỉ là một khái niệm).
Tất cả ngôn thuyết chỉ là phương tiện, ôm lấy một ngữ, một nghĩa, một câu cho đến toàn kinh văn hay trọn tất cả giáo điển mà sinh kiến giải, có một nghĩa có thể hiểu, có thể vin theo như là chân lý thảy đồng là ma thuyết. Giáo lý tam thừa chỉ là phương tiện, nhơn ngữ nhập nghĩa mà thôi. Trọn không có nghĩa thật.
Thế nên Thế tôn có bài tụng:
Thủy tùng thành đạo hậu
Chung chí Bạt đề hà
Ư thị nhị trung gian
Hà thời thuyết nhất tự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét