Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Vô ấn (6)



Chơn tánh!
Bao nhiêu kinh điển Thế tôn chỉ biết tán thán tâm, ngàn thánh ca ngợi thế nhưng lại chẳng thể nói được một lời, một chữ tâm là cái gì, ra sao.

Nhưng chư Tổ nói về kiến tánh! Nhưng cũng như tâm, cũng không thể nói tánh ra sao, vì dùng từ ngữ luôn rơi vào đối đãi phân biệt, chẳng thể nào qua khỏi ngôn thuyết, ý ngữ.
Nếu nói có một pháp, nếu nói có một huyền nghĩa cho người chính là đổ phân lên đầu người, chính là khoét thịt làm thương tích. Nếu nghe lấy, nhận lấy một pháp, một nghĩa chẳng khác đem chén báu hứng chứa lấy cứt! Nói thế lại có thể tin nhận không?
Như người chưa biết bơi vào nước biển chết (có nồng độ hòa tan muối bảo hòa cao nhất) vẫn cứ nổi, học bơi giỏi vào dòng nhược thủy (thần thoại, chiếc lông thả vào cũng chìm) lại phải chạy bộ dưới đáy sông. Dưới nước sao thân có 2 tướng nổi chìm. Chẳng vào nước cái gì là chìm nổi? nổi chìm không là tánh của thân, cũng không là tánh của nước, nơi duyên liền thành 2 tướng.
Như mười người đến Đà lạt, mỗi người tùy cơ cảnh tùy vào bản thân đều có cảm nhận khác nhau, kẻ ở canada thì bảo Đà lạt hơi nóng, kẻ ở sa mạc thì bảo lạnh, kẻ ở núi rừng thì bảo Đà lạt sao mà cây cối tiêu điều sơ xác, kẻ tở thành phố lại thấy Đà lạt mộng mơ, kẻ thi sĩ nhã sĩ hay người nông dân cũng hướng về Đà lạt do cảm nhận và nhu cầu khác nhau. Nhưng chính bản thân Đà lạt đâu có diễn ra lắm cái đối đãi, có tướng khác nhau. Thảy do thức ý tại tác vọng khởi.
Mọi người không sao thoát khỏi lưới ma của vọng tưởng.
Tánh thiên chơn vào cõi trần lao, cũng như hư không dung chứa muôn vật. Cũng như gương sáng tĩnh lặng diệu dụng hiện muôn sắc tướng mà nào có làm tánh gương đẹp xấu.
Tánh thiên chơn chẳng đồng vô tri kia, tuy mang sắc thân tùy thuận phương tiện. Vốn chưa từng có ý giết chóc, cướp bóc, thu giữ nên tánh thiên chơn rõ nghĩa “ác pháp chẳng sanh”, thấy con cá bơi đâu có ý câu bắt giết thịt bao giờ.
Tùy thuận nơi sắc thân biết đói biết lạnh, biết đau đớn về bệnh tật, nên thấy ai bắt chim cá thì nơi bản tánh thiên chơn tùy thuận liền cứu giúp sinh linh như huyễn nên gọi “thiện pháp chẳng diệt”.
Nơi tánh thiên chơn không hề mảy may tư niệm thiện ác. Nếu Thế tôn xả thân thay cho muôn loài chúng sanh, nếu có mảy may ý niệm thiện thì đó là pháp ta, nói đến nhắc đến là lời tà, dựng lập thiện pháp là pháp tà.
Phải trái, chánh tà, thiện ác, lấy bỏ … vốn không trói được tánh thiên chơn kia nên gọi đạo giải thoát mà kỳ thực chẳng có gì là giải thoát cả, siêu vượt mọi ngôn thuyết vọng tưởng đối đãi.
Thực ra cảnh không có ý trói người, chỉ có vọng tâm nên tự trói, miễn cưỡng giả lập gọi đạo giải thoát. Tâm – tánh kia há có thể cột mở được sao? Thế nên nói đạo giải thoát, nói Phật đạo, nói phật pháp đã là lời miễn cưỡng dối người. Hà huống có một pháp khả đắc, hà huống có một Phật tâm để đắc.
Nơi nhãn thức thấy biết rõ ràng, nơi sở đắc là xanh vàng đen trắng xa gần tròn méo . . . nơi tánh thấy chẳng vàng đen tròn méo. Chỉ nơi sở cấu nhiễm có đen trắng đẹp xấu…
Nơi thân thức chạm biết rõ ràng, nơi sở đắc là nóng lạnh, cứng mềm, nhầy nhụa trơn láng, đau, thích ghét … Nhưng nơi tánh biết chẳng bị đau, chẳng bị lạnh chẳng yêu chẳng ghét chẳng lấy chẳng bỏ. Miễn cưỡng nơi sở giác đau mà tánh (giác) không đau….
Cho đến 7 thức lại cũng như vậy.
Miễn cưỡng dựng lập giác và sở giác (năng – sở) đã là dựng lập đối đãi phân biệt, gọi là quyền trí, gọi là cửa Phổ Hiền. Nếu chỉ thấy Phổ Hiền mà chẳng rõ Văn Thù thì đồng ma thuyết. Lại cần rõ Văn Thù không? Trọn không dấu vết!
Thế tôn chẳng có mật chỉ vì chưa từng che dấu (vô ngã).
Lại nói 7 thức bất sanh bất diệt, là chỗ thị hiện của Như Lai Tàng, của Phật tâm, của Phật Tánh, của Niết ban tâm, của Phật pháp … cũng là miễn cưỡng. 7 thức là vật gì mà là dụng của tâm (tâm là thể, 7 vị cổ phật là dụng).
Phương tiện nêu bày dựng lập để chúng sanh tự tin Phật tâm chẳng đồng vô tri kia, chẳng do tạo tác mà thành, chẳng do học hỏi mà biết, chẳng do công hạnh ba thừa mà thành mà được.
Chánh tín nơi bổn tâm mình một tánh thiên chơn, do huân tập, người trôi lăn tự xác lập chủng tánh, tự mê nơi như lai tàng thành thức lưu chú nên chỉ biết trông cậy vào sắc thân, vào tạo tác, vào ngôn thuyết. Toàn thuộc về năng sở của thức và ý vọng động.
7 thức không lỗi, nên đọc – học – hiểu chẳng phải không cho, nó là dùng để tiếp dẫn hàng độn căn, nghiệp tạo nặng nề. Tất cả nghiên cứu, suy tư ra ngữ nghĩa trên giấy thảy chỉ dành cho hàng độn căn từng chút một tu hành không ngài ý “buông xuống đi”.
Như có người mang vác nặng nề, bảo y trút bỏ ngay đó tự tại. Ai nghe? Thế là phải bày sáng quay về nam sấp mình niệm chú a đa a da đà la, dập đầu 3 cái thì bỏ bớt 1 phần y mới chịu tin. Phải có điều kỳ bí, phải có mật chỉ mới được! Cho đến ngày y bỏ được tất cả liền vô sự. Quay lại nhìn mới biết tất cả việc hành đạo chỉ là việc làm trong mộng. Gánh nặng mang vác cùng với thân có gì dính dáng. Nhận ý này được không?
Nếu nhận ý này, vẫn là kẻ mê muội trên thức và ý chẳng ngoài ngôn thuyết. Vì sao? Vì phật tánh chưa thấy, thì vẫn là ngôn thuyết.
49 năm cố gắng mấy Thế tôn vẫn chỉ nhận được các đệ tử tự trói vào ngôn thuyết, may có đại sĩ Ma Ha Ca Diếp cười vang nơi hội Linh Sơn, chẳng một pháp khả đắc, chẳng một phật để thành, chẳng có một lý một lý gì học từ Thế tôn nên Thế tôn liền truyền y bát.
A nan đa văn, trí nhớ siêu phàm chỗ chỗ, lời lời chẳng quên viết lại rất nhiều các đại bản kinh văn, thấu lý rõ ràng biện thuyết chẳng ngại mà bị Thế tôn quở” ông ngàn ngày học chữ suy nghĩa chẳng bằng học đạo một ngày” vẫn chỉ là bệnh học – hiểu của hàng học giả.
“Học mà hiểu, hành mà được là kế sống con nhà quỷ” Tất cả kinh điển đại thừa chỉ vì bầy quỷ học giả mồm mép này mà chánh pháp nhãn tạng của như lai chỉ còn là danh tướng (ngôn thuyết).
Ngàn xưa đến nay, bao người kính Phật bỏ thân, lìa cha mẹ, lập hạnh giữ giới cả đời tụng niệm, tu học lại chỉ làm chúng sanh “hữu tưởng” và “phi tưởng”. Đến cuối đời mật chỉ như lai vẫn bị ngôn thuyết che mờ như nhìn thế giới qua tấm lụa (lúc ấy chưa có kính mát). Đâm ra buông trễ, tự nhận tu hành được thọ dụng của bá tánh mà vào thai lừa bụng ngựa, mang lông đội sừng.
Nếu khi hạ liệt bản thân, với bồ đề vô thượng không dám mong cầu thì việc thiện (pháp thiện) cứ tu vì nó thuận bản tánh thiên chơn (Đại từ bi). Một niệm muôn năm (niệm không thể diệt là chơn, niệm niệm sinh diệt do thức ý là vọng) thì có phần nhẹ nhàng (gọi là tu nhân thành Phật).
* Xưa ông già Nham Đầu bảo: “Chấp nhận tức chưa khỏi căn trần, chẳng chấp nhận tức hằng chìm sanh tử.”
Đọc kinh không nên cầu hiểu, chỉ có thể thấy chứ không có chỗ hiểu. Chỗ hiểu  tức là chấp nhận nên gọi chưa dứt căn trần (6 căn) chẳng khỏi mé thức. Chẳng chấp nhận tức chẳng thấy (kiến tánh) không khỏi hằng chìm sanh tử.
* Xưa lục tổ bảo Thần Hội “Tôi thấy, nghĩa là thường thấy lỗi lầm của mình, cho nên bảo là thấy; còn không thấy, nghĩa là không thấy lỗi lầm của thiên hạ. Cho nên tôi vừa thấy vừa không thấy…”
Thế nào là thấy lỗi lầm của mình? Nơi đây cần một chuyển ngữ! Chú phá thì được, chuyển ngữ tự nơi người.  Thấy lỗi lầm tức nơi ngôn thuyết chẳng đúng căn cơ, chẳng hợp thời tiết. Chính là chỗ đại cơ của Bá Trượng, chỗ đại dụng của sư Hoàng Bá sau này. Còn không thấy lỗi của thiên hạ thì nơi cảnh lại là lỗi gì mà thấy? Nơi đây cũng cần một chuyển ngữ.
Tại sao đọc chớ hiểu mà phải thấy? Hiểu tức chìm đắm trong biển thức ý, thấy tức là mọi ngôn thuyết phương tiện của chư Phật tổ ba đời thảy từ hông ngực, từ tự tánh thiên chơn lưu xuất, đọc kinh trước tu sau đối chứng nơi bổn tâm thanh tịnh. Chính khi ấy chẳng bị danh ngôn dối gạt mà “phải trái mặc tình đè lột”.
Với hàng cư sĩ mắt mù tai điếc tại gia, chớ chạy cuồng vào chùa lễ bái Phật ngoài mà không lễ bái phật tâm. Cúng dường chư tăng mà không cúng dường tam bảo (*). Có thể chọn những kinh ít mắc vào danh từ của Phật học như bộ Pháp Bảo Đàn kinh (Đôn Hoàng Bản) do Thích Mãn Giác dịch, kinh Kim Cang (Đoàn Trung Còn dịch) và Kinh Pháp Hoa.
Nếu mắt chưa mù, tai chưa điếc muốn một lúc quét sạch mọi thứ thì có Bá Trượng Quảng lục và ngữ lục do Hoài Hải viết (Thích Duy Lực dịch), Truyền Tâm Pháp yếu của Hoàng Bá (do Hoài Hải viết lại, Thích Duy Lực dịch) và kinh Duy Ma Cật (hạ và thượng).
Nếu thật là bậc thượng căn thì khán một công án!
Tiếc thay! Chỉ rặc một tuồng mồm mép! Phật pháp chỉ còn là cây cọc cọc cột lừa!
_ _ _ _ _
(*) tam bảo: Phật – pháp - tăng:
- Phật tức tâm nên gọi Phật tâm. (còn gọi phật tánh)
- Pháp tức tâm nên gọi Phật pháp (thật trí – Văn Thù).
- Tăng tức là sắc thân (nơi hội đủ tam thân Phật):
.Thanh tịnh pháp thân Phật: tự tánh thiên chơn
.Trăm ngàn ức hóa thân Phật: tư lương ác đến thiện, đều ở ngay chính nơi sắc thân là hóa thân Phật từ chúng sanh đến thánh.
.Viên mãn báo thân Phật: là niệm niệm đều thiện lưu xuất từ tự tánh.
Dù nói từ hạng tục gia tai điếc hay bậc thượng căn thì miễn cưỡng do căn cơ tuy nói có khác mà chơn tánh kia chưa từng ẩn dấu. Mê không thật có! Có ngộ thì ngộ đó đồng mê. Thật không có cái gì khả dĩ ngộ, cũng chẳng có cảnh giới nào khác. Ngộ chỉ là thấy bổn tánh vốn dĩ lặng lẽ vốn có mà thôi! Tánh lặng lẽ này cũng không người che đậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét