Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Vô ấn (11)



Lục Tổ nói “mỗi người đều sở hữu bát nhã …” (Pháp Bảo Đàn kinh theo Đôn hoàng bản).


Trí bát nhã ví như nguồn sáng giữa hư không, hư không chẳng sáng. Một vật đến tùy theo tướng thì liền rõ hình dáng. Ánh sáng chẳng phải vật, chẳng lìa vật. Không vật chẳng thể nói có ánh sáng hà huống nói có nói không nguồn sáng. Nguồn sáng là thật trí, ánh sáng là quyền trí. Thật quyền không một không hai nên gọi bình đẳng.

Muôn ngàn sai biệt của các vật mà tướng khác nhau dù ánh sáng chẳng hai, nếu bảo quyền trí sai biệt, đó là cái ngu của kẻ bọn huyền nghĩa. Quyền trí không sai biệt vì cùng thật trí bình đẳng.

Nơi trí bát nhã lưu xuất ra muôn pháp mà thật ra không thể phân biệt nó, nói về nó vì nó chẳng ngằn mé. Kẻ bảo nó là căn bản trí, đó là bọn dùng ngôn thuyết diễn giải thật trí thành danh tướng. Thật trí nói là nguồn còn không cho hà huống nói là căn bản. Vì sao? Vì thể tự không tịch (chiếu mà không có tâm chiếu, trọn không có chỗ dụng tâm. Bặt tâm hành).

Muôn vạn vật tùy ảnh hiện hình, muôn pháp cũng như vậy. Kẻ trên danh tướng ôm lấy nhận lấy một ảnh tượng, một pháp cho là chân, cho là lời Phật dạy chẳng khác kẻ đánh cắp ánh sáng, duyên dứt thì pháp đó đồng lông rùa sừng thỏ.

Chẳng tự quay lại bổn tâm, thắp ngọn đèn bát nhã của mình, đi ăn nhờ ở đậu ánh sáng theo duyên sanh diệt gọi là tu hành thì đó là pháp tà, là tu ma, là quả vị ma.

Nơi các bộ tạng kinh Thế tôn đều ân cần khuyên mọi người hãy tu nơi tâm, chớ tu theo hành tướng. Đọc kinh tu hành theo kinh điển phải chuyển kinh chớ để bị kinh chuyển.

Như bố thí, nếu có ngã, có phi ngã (người bố thí, vật bố thí và người nhận bố thí) thì chỉ là phước điền, chiêu quả nhận phước mà chẳng biết sang giàu thường gây nghiệp khó qua chữ tham, trí khôn thường ngã mạn sân giận, mê đắm cái phước hơn người mà ngu si luống bỏ chơn tâm chạy theo trần cảnh.

Bố thí mà hiểu rằng thực phẩm là để ăn, mình ăn người ăn muôn loài ăn, chẳng có khác biệt. Tùy duyên tự bớt cho trẻ con, người bệnh, người già thì cũng chỉ là thiện pháp (tu hành đúng) nhưng không qua mé thức tạo tác. Thức ý hữu hạn. Thì biết bao giờ cho xong.

Cầu học theo Thế tôn, nhận một câu, một nghĩa, một bộ tạng kinh hay đến ba bộ tạng kinh cũng chỉ là kẻ đánh cắp ánh sáng, như kẻ mang một lon một lít đến để mong đựng hết nước hằng sa vô lượng biển.

Bố thí mà tùy thuận bản tâm (thiện pháp chẳng diệt), duyên đến liền có (chiếu) duyên dứt liền thôi (tịch), gọi là trước chiếu sau tịch. Không lưu giữ (vô sở) thì năng tự dứt. Vô năng vô sở, không nương gá (không y trụ) nơi bố thí. Đây là tu hành của đại thừa.

Tùy thuận bổn tánh thiên chơn (tịch) gặp duyên liền bố thí (chiếu), Trước tịch sau chiếu là chỗ hành của thánh nhân. Chẳng rơi vào không, vô năng nên sở không thể kiến lập. Phải biết đạo lý này. Tránh được bệnh ôm cái không rỗng vô ký.

Liền khi ấy, ngay khi ấy. tánh tự rõ ràng chẳng nhọc chút tơ lông. Sáu vạn tám ngàn pháp môn tu hành, sáu vạn tám ngàn trí huệ đối trị sáu vạn tám ngàn phiền não như bọt sóng trên biển, bọt chính là nước biển chẳng khác, chẳng đem so đo phân biệt. Biển trí huệ vốn không ngằn mé.

Người theo thiện pháp có niềm vui sống đó là vì thuận bản tâm. Kẻ theo ác pháp lòng dạ không an. Kẻ chìm đắm trong tư dục không thoát khỏi phiền não vì chẳng thể vừa lòng. Ham ăn ngon, ham sang cả khó tránh khỏi nhàm chán vị ngon và không bao giờ có sẵn có đủ. Kẻ ham cao sang ham được tôn vinh thì chẳng bao giờ thỏa mãn được như ý. Cái chết trước mắt, xuôi tay nghiệp thức mù mờ chiêu quả không như ý. Người theo thiện pháp tuy mắt huệ chẳng mở mà tâm tự an không hối tiếc, không có tham muốn tư dục đeo bám, chỉ ngoài lòng an vui và hướng về tinh thần tốt đẹp. Chẳng đợi phán quan cởi mở tự sanh vào cõi phúc. Nếu có lòng hướng Phật, hướng tâm tu hành thì được duyên gặp bậc thiện tri thức điểm phá, theo đạo bồ đề. Chẳng đợi chư Phật ba đời thọ ký.

Đọc kinh chớ cầu nghĩa thù thắng, chớ nghe theo một kiến giải sâu mầu, chớ ghi nhớ mà hãy xem lại thức ý của mình dấy động sinh diệt. Chớ trừ nó, chớ ngăn nó, không ngu dại diệt nó. Chỉ bình thản tỉnh táo xem rồi xem. Lâu ngày chày tháng nó tự dứt. Tối kỵ cầu sự tịch lặng vì cái duy nhất chỉ là hôn trầm, chiêu quả ngu si.

Bao nhiêu điều hiểu biết học được, khi ngồi tham thiền thì các nghĩa đó về đâu! Sao không hiểu ngữ nghĩa chỉ là chướng ngại. Đem thức ý mà dung nạp huyền nghĩa thì như nước trong chén tự thỏa mãn mà quên mất biển kia!

Tham thiền không phải là ngồi giữ tịch lặng,cũng chẳng phải chỉ có lúc bình tỉnh ngồi xem các thức ý sinh diệt. Tham thiền phải cả lúc đi lúc đứng lúc ngồi. Tỉnh tỉnh, cứ để thức ý vọng động tạo tác, tỉnh tỉnh xem lại được lúc nào thì xem. Chớ dụng tâm xem xem suốt cả ngày (nếu người tu hành đại thừa pháp thì OK. Nhưng ở đây chỉ dành cho hàng tục gia, còn sinh kế gia đình, còn cha mẹ phụng dưỡng, còn con cái phải chăm).

Bàn chân đặt xuống phải giác biết nơi bàn chân, ăn phải giác biết nơi lưỡi, thảnh thơi mà tu hành. Chính khi giác biết nơi bàn chân, giác biết nơi lưỡi, dùng tính giác hữu hạn nhưng lại vô tình hạn chế tạo tác của thức ý chạy loạn quá nhanh. Cần phải chính chắn!

Người đời ngu si cứ nghĩ như Thế tôn nếu nhập diệt là mất tiêu, là chẳng còn, là không không … Nếu mình cũng vậy thì bao nhiêu điều tốt đẹp không thể làm, không thể giúp chúng sanh. Vẫn là suy diễn của thức ý, trong kinh đều ân cần nêu về bản nguyện rộng lớn của chư đại bồ tát không thành phật đó sao! Nói chư đại bồ tát với bản nguyện là dỗ trẻ con, luống vì chúng sanh phân biệt nên nói đại bồ tát – phật vị. Mà chẳng biết vốn không hai.

Thế tôn thật không trong ba cõi, cũng chẳng lìa ba cõi. Vì sao? Vì chúng sanh như huyễn, đâu thật có chúng sanh. Có Phật tức có chúng sanhlà chỗ chấp “có không”. Phật chỉ là đối trị giả lập để tiếp người. Bổn tánh thiên chơn kia, tâm kia, phật tâm kia, tâm pháp kia … vô tướng thì làm sao nói được. Đừng đem thức ý có ngằn mé mà đo lường hư không!

Lại có kẻ ngu si cho rằng tu thành Phật được vô biên chúng sanh tán thán, được ngồi tòa sen báu, được trí huệ vô ngần, làm thầy ba cõi. Ngu si đến vậy! Trong ấy không một lý có thể bày, không một pháp có thể được, không một huyền nghĩa thủ đắc. Ông già Thích Ca 49 năm khất thực, ngày nào không được ăn cũng chịu đói chịu khác, trời lạnh cũng biết lạnh, cũng mang bệnh nơi thân tứ đại, cũng chết từ lâu rồi! Đừng hoang tưởng!

Chớ nghĩ suy, chớ đo lường, chớ tính toán. Chẳng thấy chư Phật Tổ, chư Thiện tri thức dốc cả đời tiếp dẫn độ sanh đó sao! Chỉ biết co duỗi cúi ngước buông nắm. Chỉ cần vô tâm nơi tất cả cảnh, chẳng bị cảnh chuyển. Chẳng cần biết chư Phật Tổ, trong ấy của mỗi mỗi hàm linh các Phật Tổ không có chỗ cắm mỏ. Mỗi mỗi vách đứng ngàn nhẫn, mỗi mỗi bất khả tư nghì (nghĩ lường).

Chỉ miễn cưỡng nói, bản nguyên còn thì trở lại bất cứ đâu mà thực hiện thiện nguyện (không khác nhưng không đồng nghĩa thiện nghiệp). Nếu thật sự kiến tánh, triệt ngộ thì như nguồn sáng, như mặt trời giữa ba cõi chiếu sáng không ngằn mé, tất cả các loài hàm linh (tạm còn mê, tạm còn rong chơi theo duyên nghiệp) đều được hàm ơn.

Miễn cưỡng so sánh như người làm chủ tứ đại, đi ở ra vào theo ý (bồ tát thân ý sanh), vào cõi trần mà chẳng nhiễm, sinh tử không nhiễm, muốn sống liền sống, muốn chết liền chết, nơi biển phát tâm liền cháy cả tam thiên thế giới!

Vậy thế nào là Phật? là cục cứt khô! Thế nào là Phật? Đã có danh tự! Thế nào là Phật? ba cân gai! Thế nào là Phật? Chân dài mình ngắn! …

Sao lại nói như vậy! Vì thà để người chẳng mong cầu Phật ngoài, mà thoát phật chướng. Chỉ cần biết mình là đủ. Bậc tôn túc, chư cổ đức nói thế ấy, chỉ vì muốn mỗi người quay lại tìm Phật thật chẳng tìm phật gỗ, phật đất bên ngoài.

Tất cả ngôn cú kinh điển của Thế tôn vốn lưu xuất từ tự tánh thiên chơn, từ trí bát nhã, từ lòng đại từ đại bi diễn thuyết nên không hư. Nhơn tiếp dẫn kẻ mê lầm, tùy căn cơ, tùy tâm yêu thích, tùy thức khác biệt mà dựng lập nên không thật.

Đó là nghĩa “lời của chư Phật không thật không hư”. Nếu chẳng nơi tâm pháp vô tướng kia thì không bao giờ có pháp cho người tu hành. Thế nên chư pháp như huyễn mà không hề hư dối!

Thế tôn như người thầy thế gian, chỉ mong học trò biết sử dụng suy nghĩ để hiểu và tự nơi mình chứ chẳng mong học trò học vẹt, kiến thức như mớ rác trong thùng rác. Học mà hiểu thì biết tự suy nghĩ đều có thể trả ơn thầy trọn vẹn là lại làm thầy.

Thế tôn như thầy thuốc, chỉ mong người bệnh lành. Lành thì không dùng thuốc cũng không cần thầy thuốc, sống tự tại.

Thế tôn như người cha, chăm sóc con cái đến ngày trưởng thành, có thể tự nuôi sống mình, biết tự lo, sống vui vẻ. Chỉ có vậy con cái sau này sẽ thừa đương việc cha mà chăm cho cháu.

Thế tôn như ngọn đèn, chỉ châm vào các các đèn khác còn chưa cháy. Châm được rồi mỗi mỗi đèn tự sáng nơi mình.

Đừng tôn vinh, đừng tán thán, đừng ghi ơn đức của Thế tôn. Thế tôn không muốn bẩn tai lời ca ngợi thế gian, cha mẹ không mong con lãi nhãi hay cứ nặng lòng ghi nợ công ơn sanh dưỡng (khỏe mạnh, vui sống là đã thỏa lòng cha mẹ. Đem yêu thương đáp lại yêu thương). Đừng nhai nhãi như con két nói tiếng người mà tụng kinh (bị kinh chuyển, bị ngữ nghĩa che đậy chôn vùi Phật tánh). Hãy tu hành chân chánh, đừng bao giờ bỏ mất thiện nguyện, đừng mong đắc đạo, đừng mong ngộ, đừng mong cầu gì cả! Một tánh thiên chơn.

Поржал от души)))!!!

Được đăng bởi Михаил Глинчиков 15 Tháng 1 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét